• 2015 lượt xem
  • 14:04 21/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Hạn chót thực hiện thu phí không dừng các tuyến cao tốc

Bộ GTVT dự kiến, kể từ 0h ngày 1/8/2022, sẽ thu phí điện tử ETC không dừng ở toàn bộ các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (gọi tắt là VEC) quản lý, khai thác, thay thế cho hình thức thu phí thủ công, sau khi đã thí điểm thành công tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Do đó, chỉ có phương tiện sử dụng hình thức thu phí ETC mới được vào cao tốc từ ngày 1/8 tới.

Thu phí tự động không dừng, là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhằm tăng cường hiệu quả, sự minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí. Tới nay, các trạm thu phí đường bộ cả nước đã lắp đặt và vận hành thu phí tự động. Trừ 3 trong 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty VEC sẽ hoàn thành lắp đặt vận hành từ ngày 1/8/2022 và một số trạm được Thủ tướng chấp thuận không lắp đặt, do hiệu quả thấp. Các trạm thu phí còn lại chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp (tức là vừa thu phí tự động, vừa thu phí thủ công), với mỗi chiều chỉ một xe mà thôi. Như vậy, các chủ xe ô tô phải dán thẻ để trả phí tự động trước ngày 31/7/2022 và hạn chế việc trả phí thủ công. Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu tới tháng 9 năm nay, tỷ lệ dán thẻ thu phí tự động đạt 80 - 90% tổng số hơn 4,5 triệu phương tiện đang lưu hành.  

Vậy, thực tế chuẩn bị về hạ tầng thiết bị như thế nào, khi gần đến hạn chót thực hiện thu phí tự động không dừng tại các tuyến cao tốc hiện nay? 

Mời quý vị tiếp tục theo dõi phóng sự!

Cũng theo Lãnh đạo Tổng Công ty VEC, từ 1/8/2022, để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng ETC khi lưu thông trên các tuyến cao tốc, người điều khiển ô tô cần dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác). Số tiền tối thiểu cần nạp vào tài khoản thu phí, tương ứng với mỗi loại phương tiện lưu thông trên mỗi tuyến cao tốc và được cập nhật cụ thể. Nghĩa là chỉ cần vài thao tác với hệ thống đã cài đặt, là ô tô đã qua trạm thu phí, không phải dừng lại móc ví, đưa tiền, nhận vé và tiền thừa, mất thời gian nữa. 

Đơn giản, vậy sao cứ phải kéo dài thời gian lắp đặt với 3-4 lần gia hạn? Ngược dòng thời gian: Năm 2017, lần đầu tiên việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ, được chính thức yêu cầu thực hiện bởi Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với thời hạn sau 2 năm.

Cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ GTVT xin lùi thêm 1 năm, với lí do thiếu vốn. Đến cuối năm 2020, xe vẫn ùn tắc hàng km các trạm thu phí mỗi dịp nghỉ lễ-tết. Bộ GTVT lần này đã không hứa thời hạn chót hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng nữa. 

Vậy, khó khăn thực sự của việc hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng là gì? Một loạt lý do được liệt kê: Nào là thiếu vốn đầu tư, hệ thống phần mềm khác nhau nên khó tương thích, người dân chưa sẵn sàng với thu phí tự động... Nhưng, dư luận nghi ngờ việc chậm áp dựng thu phí tự động không dừng là nhằm sự che giấu nguồn thu thực tế. Đúng là qua thanh tra - kiểm tra, đã từng phát hiện có trạm thu phí thủ công tìm cách giấu số thu thực tế.

Mời quý vị tiếp tục theo dõi phóng sự dưới đây!

Dự kiến, các tuyến cao tốc của Tổng Công ty VEC sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí tự động tại các trạm và kết nối với máy chủ trước ngày 27/7, chạy thử nghiệm kiểm tra hệ thống từ ngày 25 – 31/7, để vận hành chính thức từ ngày 1/8. Từ ngày 19 - 25/7, Tổng Công ty VEC tổ chức diễn tập xử lý các tình huống, sự cố trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống thu phí tự động trên các tuyến cao tốc đơn vị quản lý.

Chính phủ đã chỉ đạo, sau ngày 31/7, nếu trạm thu phí nào chưa lắp đặt và vận hành thu phí tự động sẽ buộc phải xả trạm, dừng thu phí tới khi lắp đặt xong thu phí tự động (trừ một số trạm không triển khai thu phí tự động, do sắp hết hạn thu phí). Còn ô tô chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng, nhưng vẫn đi vào làn thu phí này, có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Mới hay, sự chật vật và khó khăn như thế nào, khi áp dụng thu phí không dừng ETC ở Việt Nam!

Những quốc gia và vùng lãnh thổ gần Việt Nam như Malaysia, Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc)…đã thu phí không dừng điện tử từ lâu. Chủ xe được cấp miễn phí thẻ định danh dán lên kính trước của xe và kèm theo một tài khoản. Cứ đi qua cổng là xe đã được nhận dạng và tiền phí tự động khấu trừ, thay vì dừng lại lấy vé và trả tiền mặt.

Mời quý vị tiếp tục theo dõi tình hình thu phí không dừng tại Đài Loan (Trung Quốc)!

Mô hình thu phí tự động này ở Đài Loan, Trung Quốc đã áp dụng gần 10 năm qua. Chúng ta thì đang cố gắng hạn chót thực hiện từ đầu tháng tới.

Tại văn bản gửi UBND các tỉnh, thành mới đây, Bộ GTVT đề nghị các địa phương xây dựng phương án phân luồng, chuẩn bị thu phí không dừng ETC tại tất cả cao tốc từ ngày 1/8 tới đây, theo hướng an toàn, kết nối liên thông và chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy, tại các trạm thu phí.

Có thể nói, sau 7 năm triển khai thu phí không dừng ETC với hai Quyết định của Thủ tướng năm 2017 và 2020 về thời hạn lắp đặt, vận hành, đến nay- theo Bộ GTVT- hầu hết trạm thu phí BOT toàn quốc đã được lắp đặt và vận hành dịch vụ thu phí ETC. Lâu nay, dư luận đã từng bức xúc về việc chậm áp dụng công nghệ ETC, có lý do là lợi nhuận. Thực tế, nhiều trạm BOT không minh bạch về thu phí, có doanh nghiệp từng gian lận nguồn thu và đã bị Bộ Công an khởi tố.

Nay áp dụng thu phí không dừng ETC, mọi thông tin sẽ được minh bạch, không thể gia tăng lợi nhuận từ sự nhập nhèm như trước. Đồng thời, phải áp dụng tốt nhất công nghệ kiểm soát đầu vào, không để tình trạng có tài khoản mà chưa nạp tiền, hay là nạp tiền không đủ, nhất là chuyện xe chưa dán thẻ vẫn "đi lọt" vào cao tốc.

Lần này, thời hạn và mục tiêu liệu có khả thi? Câu trả lời sẽ cụ thể ngay từ ngày 1/8/2022 và hy vọng, đó sẽ là hạn chót triển khai, thay vì lần nữa xin lùi với những lý do…đã cũ.