• 1514 lượt xem
  • 18:27 19/06/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Khai thác hải sản bền vững để gỡ “thẻ vàng”

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, một loạt câu hỏi về tàu cá vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 năm 2014, nhưng phần nhiều phải nằm bờ, han gỉ, còn ngư dân thành “con nợ”, đã làm nóng nghị trường Quốc hội.

 THANH LÝ LÃNG PHÍ TÀU CÁ 67  

 Có nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt tàu 67 Quảng Nam nằm bờ, thanh lý giá rẻ. Nguyên nhân chính là do ngư trường cạn kiệt và khả năng quản lý, vận hành tàu công suất lớn của ngư dân còn hạn chế. Hiện, các ngân hàng thương mại đã tiến hành thanh lý 14 tàu với giá rất thấp chỉ bằng 10% giá trị ban đầu.

Ngư dân TRẦN CÔNG CHI, Chủ tàu cá QNA 94989 Quảng Nam: Ngân hàng bán thanh lý con tàu, coi như tôi mất khả năng trả nợ. Bởi vì tôi vay mượn để 2 lần cải hoán con tàu, không biết đến bao giờ tôi trả nợ được cho ngân hàng.

Trong tổng số gần 720 tỷ đồng đã giải ngân, Quảng Nam chỉ có 5 tàu hoạt động hiệu quả, trả nợ đúng hạn. Còn lại đều hoạt động cầm chừng, không trả được nợ gốc lẫn lãi.

Ông PHẠM TRỌNG, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam: " Đã có trên 50% đã là nợ xấu, các trường hợp còn lại trong 65 tàu chúng ta cũng còn nhiều khó khăn. Số tàu đạt hiệu quả thì ít, thêm nữa tàu hoạt động hiệu quả thì cố tình không trả nợ. 24”

Nhiều tàu có nhu cầu chuyển nhượng, tuy nhiên hiện chưa có trường hợp nào nhận chuyển nhượng tàu 67 để vận hành. Do quy định hiện nay bắt buộc người chuyển nhượng dự án phải nhận toàn bộ dư nợ hiện có của chủ tàu cũ trong khi giá trị thực tế còn lại của dự án thấp hơn do con tàu và các máy móc, trang thiết bị xuống cấp theo thời gian. Ngoài ra, việc chuyển nhượng cũng vướng đến các cơ chế phân loại nợ đối với khoản vay của chủ tàu mới.

Ông LÊ TRÍ THANH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: " Mặc dù trung ương đã có nhiều biện pháp, giải pháp nhưng chưa giải quyết dứt điểm được những tồn tại của tàu 67, đặc biệt là các tàu nằm bờ không đi đánh bắt được. Đây là khoản nợ rất lớn đối với ngư dân và là những khoản nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại. Chính vì thế mong muốn không chỉ riêng Quảng Nam mà của nhiều địa phương khác là Chính Phủ, Quốc hội và các cơ quan trung ương sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm tồn tại này. 33”

Hiện 3/65 khoản vay đã chuyển nợ xấu, 22/65 khoản nợ được xử lý bằng dự phòng rủi ro, 34 khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Sâu xa hơn, cần có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ ngư dân vận hành hiệu quả tàu 67, giảm bớt sự lãng phí do đầu tư chưa đúng nhu cầu.

 Theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, đây là một chương trình lớn về một số chính sách phát triển ngành thuỷ sản, nhưng do nguyên nhân khách quan, nên đề án được xây dựng trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, có nhiều vấn đề không lường hết được và có phần trách nhiệm của Bộ này. Cùng với đó, giá xăng dầu lại liên tục tăng cao, khó khăn càng thêm chồng chất. Hậu quả là có những ngư dân giỏi sau này lâm vào cảnh khó khăn, phải nợ ngân hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67. Chuyện giãn nợ, khoanh nợ, thậm chí xóa nợ cho ngư dân, sẽ phải tính đến. Vấn đề là làm sao không vi phạm nguyên tắc tài chính và tìm phương án khả thi thu hồi vốn cho Nhà nước, quả thực là không hề đơn giản. Bài học nóng hổi này, đã được Đại biểu Quốc hội chất vấn thẳng thắn với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.  

 TÀU CÁ 67 KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC HẾT CÁC TÌNH HUỐNG

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: Nghị định 67 năm 2014 để giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển cũng đã hơn 7 năm. Xin hỏi Bộ trưởng những bài học rút ra khi triển khai Nghị định 67, những giải pháp tháo gỡ cho ngư dân nhằm thực hiện tốt hơn Nghị định này.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chúng ta đã làm được rất nhiều, xác lập được đội tàu để đánh bắt vươn khơi. Những vấn đề chúng ta không lường trước được liên quan tới cách tổ chức thực hiện, trách nhiệm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì đề án và các bộ, ngành khác. Chúng ta cũng chưa lường trước được hết những tình huống xảy ra. Công tác tổ chức thực hiện để một hệ thống từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Tổng cục Thủy sản tới từng địa phương thông qua các Chi cục Thủy sản ở các địa phương. Chúng ta không chú ý tới cách để vận hành một hệ thống để chuyển tải được một đề án rất lớn, vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa an ninh, quốc phòng như tôi đã nói. Đặc biệt là trong điều kiện ngư trường bắt đầu có biểu hiện suy giảm, chúng ta cũng không có đủ điều kiện để kiểm đếm hay khảo sát ngư trường. Rồi nhất là trong đại dịch Covid 19, chúng ta phải đóng băng các tàu, không ra khơi được...Đây là một minh chứng để một lần nữa nói rằng không phải có tiền ngân sách là giải quyết được vấn đề, không phải chỉ là vấn đề giải ngân mà là tổ chức lại một ngành hàng. Chúng ta huấn luyện từ đội tàu, từ ngư dân tới bạn thuyền, kể cả hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương và khâu thẩm định, bình xét ngư dân nào được tham gia, hưởng lợi từ Nghị định 67 để đóng tàu. Tôi nói đơn cử trong số lượng tàu chúng ta đóng trong Nghị định 67 có một nhóm đối tượng khoảng 300 tàu có một chức năng rất đúng là những tàu chuyên cung cấp hậu cần cho những tàu khác, như vậy thì để cho ngư dân sống dài ngày trên biển hơn, thay vì mỗi chuyến phải trở về đất liền để sử dụng các dịch vụ hậu cần từ nước đá, xăng dầu, cơm gạo…

Phương tiện đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 đang bị “mắc cạn”. Nhiều ngư dân phải bỏ nghề đi biển. Cùng với đó, năm 2022, Ủy ban châu Âu vẫn giữ cảnh báo “Thẻ vàng” về tình trạng khai thác hải sản trái phép đối với Việt Nam, đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đời sống ngư dân.  Mục tiêu phấn đấu là nhanh chóng giảm số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào năm 2022 này, để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, tuyệt đối không để dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”.  

Từng tỉnh- thành phố ven biển phải tìm biện pháp quản lý hiệu quả đối với những tàu cá đánh bắt xa bờ. Bình Định-địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất nước và cũng có tỷ lệ tàu cá vi phạm lãnh hải khá nhiều, bước đầu đã áp dụng cách tháo gỡ của mình.  

 KIÊN TRÌ PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỚI NGƯ DÂN

Dồn tiền tiết kiệm, vay mượn khắp nơi, thậm chí thế chấp toàn bộ tài sản, ngư dân Võ Tòng đầu tư đóng hai con tàu đánh bắt hải sản. Thế nhưng, do hai lần vi phạm lãnh hải, cả hai chiếc tàu này đều bị tịch thu. 

Ông VÕ TÒNG, Xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định: “Có tháng hết cá, lỗ vốn nên mình phải lấn chiếm sang nước bạn để có thu nhập ý mà, hên xui thôi”.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ngành chức năng đã phát hiện 7 lượt với 6 tàu cá bị cảnh báo, 9 tàu cá ngắt kết nối trên biển. Tổ Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) tại các cảng cá xử phạt 4 trường hợp hơn 73 triệu đồng. Huyện Phù Cát trong năm 2021, có 14 tàu với 85 thuyền viên vi phạm khai thác IUU. Đầu năm nay, có 1 tàu đang bị nước ngoài bắt giữ.

Ông NGUYỄN VĂN LÊ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Cát, Bình Định: “Đa số những tàu vi phạm là tàu nhỏ, công suất thấp dưới 50 CV. Những tàu này đã rời địa phương lâu, tham gia các ngư trường hầu hết ở miền Nam, xuất phát từ Vũng Tàu, Kiên Giang, công tác vận động tuyên truyền địa phương thực hiện rất nhiều”.

Buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển, đảo cho hơn 100 ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, đã góp phần nâng cao nhận thức. Nhiều người đã cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, lại tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên biển.

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định: “Muốn rút thẻ vàng về thì chúng ta phải khai thác trong phạm vi của chúng ta được khai thác”.

Đại tá HÀ QUANG HIỂN, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định: Tham mưu cho UBND tỉnh Bình định, các huyện và các tuyến biên giới biển, các biện pháp như cưỡng chế các chủ phương tiện, phạt hành chính, răn đe để bà con chấp hành tốt hơn luật pháp Việt Nam”.

Để chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã thành lập 3 tổ IUU tại cảng cá Quy Nhơn, cảng Đề Gi và Tam Quan để thực hiện giám sát và khai báo của ngư dân. Tất cả các tàu muốn xuất bến, đều phải tuân thủ đánh bắt thủy sản theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định: “Dựa trên giám sát thiết bị hành trình, đơn vị rà soát tàu có vi phạm không, nếu có thì cho tàu lên cảng, xác nhận nguyên liệu lên cảng đối với con tàu, để xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu”.

4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về thẻ vàng IUU đã và đang được Việt Nam tích cực triển khai. Đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được điều chỉnh kịp thời, sẽ làm căn cứ pháp lý để ngư dân và cơ quan quản lý thực hiện.

 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra 32 vụ và 53 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. So với cùng kỳ năm 2020, đã giảm 7 vụ và 7 tàu. Sau hơn 4 năm, hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm mạnh… Tuy nhiên, do vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn hiện tượng tàu cá vi phạm khai thác hải sản, nên cũng là thách thức lớn nếu muốn gỡ “thẻ vàng”.  

Cần biết là nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Liên minh châu Âu tới 50 tỷ Đô-la Mỹ mỗi năm và là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam. Vì vậy, việc bị phạt “thẻ vàng” đã gây nhiều tổn thất và hệ lụy cho ngành hải sản Việt Nam, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu, khai thác của ngư dân. Đồng thời, còn gây bất lợi đến uy tín của hải sản Việt Nam, cũng như Chiến lược phát triển bền vững thủy sản đến 2030 với mục tiêu lớn lao: Tổng sản lượng đạt 9,8 triệu tấn, khai thác-đánh bắt là 2,8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ Đô-la Mỹ.