• 1154 lượt xem
  • 16:10 30/03/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: "Khen thưởng nhầm" và sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua khen thưởng

Đầu năm, dư luận xôn xao khi Công ty CP Công nghệ Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhưng sau đó bị Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự. Vậy có bị thu hồi lại Huân chương này không? Hàng loạt cán bộ của nhiều Bộ, ngành liên quan cũng bị khởi tố, kỷ luật và đáng buồn khi trước đó, có người còn được đề nghị nhận huy chương hay bằng khen.

Chưa kịp nhận bằng khen đã bị khởi tố

Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022, Thượng tá Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự- Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test Covid-19) bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra dấu hiệu phạm tội Tham ô tài sản và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Còn Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng Trang bị, Vật tư cũng thuộc Học viện Quân y) bị khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.

Bốn ngày trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, giám sát để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm các quy định khi đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện

Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự

Thượng tá Hồ Anh Sơn, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu và lãnh đạo một số đơn vị cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y.

Cuối tháng 12/2021, vài ngày sau khi Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám Việt Á) bị bắt, theo Thượng tá Sơn, Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm nghiên cứu kit test Covid-19 từ những ngày đầu, bởi tính cấp bách. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất là Việt Á để cùng thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch.

Cựu Thượng tá HỒ ANH SƠN - Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, Học viện Quân y: “Đến thời điểm hiện tại thì kit tets của chúng tôi có một vài ưu điểm: Thứ nhất là nó đơn giản chỉ chạy một lần duy nhất là ra kết quả. Thứ 2 là bên Viện VSDT TƯ đánh giá loại kit này phù hợp với nhiều loại máy Reltime khác nhau ở Việt Nam.”

Thượng tá Sơn từng khẳng định: "Bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV của Việt Nam có độ chính xác cao, là kết quả, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học. Sai phạm của Việt Á không liên quan nghiên cứu kit xét nghiệm."

Nhưng, sau đó, Thượng tá Sơn đã bị khởi tố, bắt tạm giam và chưa kịp nhận Bằng khen.  

Thu hồi danh hiệu khen thưởng cá nhân

Về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) ngày 28.3, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung: Trường hợp đã được khen thưởng, nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng, thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng. Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và chỉnh lý Điều 91 của Dự thảo luật theo hướng hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Bà NGUYỄN THUÝ ANH - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: “Quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.”

Thời gian qua, có một số trường hợp nghệ sĩ có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực, phản cảm, nhất là trên môi trường mạng khiến dư luận rất bức xúc, trong khi vẫn chưa có quy định cụ thể để xử phạt những hành vi này. Đại biểu đề nghị đã đến lúc, luật cần phải có những quy định bổ sung cho việc thu hồi danh hiệu phong tặng cho các nghệ sĩ, để buộc họ phải có trách nhiệm gìn giữ danh hiệu được trao tặng.

Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: "Đề nghị cần xem xét bổ sung trường hợp cá nhân bị thu hồi danh hiệu Nhà nước, vinh dự Nhà nước khi không còn xứng đáng, vi phạm chuẩn mực đạo đức gây ảnh hưởng xấu và bị dư luận xã hội lên án.”

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) cho rằng cần phải có quy định cụ thể hơn nữa trong luật, trong đó có việc hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và việc tước danh hiệu, vinh dự nhà nước. Ngoài ra, cần có sự rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo công bằng, đáp ứng yêu cầu bởi tiêu chí xem xét xử lý vi phạm chưa nhất quán.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Cũng là cá nhân nhưng với danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động bị tước danh hiệu khi phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình. Trong khi đó, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú lại bị áp dụng từ yếu tố lỗi cố ý, hình phạt tù có thời hạn trở lên. Còn với pháp nhân phải chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì mới bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.” 

Một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng, người có hành vi vi phạm pháp luật mà bị Tòa án tuyên phạm tội và bị tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên, thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đã được tặng thưởng trước đó. Riêng cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà phạm tội do lỗi cố ý, bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên, phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Điều đó phù hợp với quyết định xử lý kỷ luật đảng viên khi bị Tòa án tuyên phạm tội và bị phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì bị xử lý khai trừ ra khỏi Đảng. Vì khi một người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức Tòa án tuyên phạm tội và bị phạt cải tạo từ không giam giữ trở lên thì không còn xứng đáng đối với danh hiệu vinh dự nhà nước đã được tặng thưởng trước đó.”

Trưởng ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, giải trình: Quy định liên quan đến xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, đã thiết kế đi thiết kế lại nhiều lần. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn chưa thật sự hài lòng. Ban soạn thảo tiếp thu và sẽ tiếp tục hoàn thiện để xử lý những vi phạm liên quan đến thi đua, khen thưởng thuận lợi hơn, kịp thời và đúng hơn. 
Nhưng, các thảo luận mới tập trung vào thu hồi danh hiệu cá nhân nếu vi phạm. Thu hồi danh hiệu đã tặng cho tập thể, vẫn chưa thấy bàn luận để chốt phương án tối ưu, tháo gỡ bế tắc với thực tế.

 Phải thu hồi danh hiệu đã tặng nhầm cho tập thể

Ông HOÀNG CÔNG ANH - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “ Như công ty Việt Á mà vì lợi ích của mình mà có hành vi gian dối thì chúng ta cần xử lý. Phải có công bằng và trao bằng khen cho người xứng đáng. Nếu vi phạm cần thu hồi lại khen thưởng.”

Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành tại Điều 2 quy định đối tượng áp dụng, gồm cá nhân, tập thể được nhận Huân-Huy chương. Tuy nhiên, ở Chương VII về xử lý vi phạm, mới chỉ đặt ra việc hủy bỏ quyết định khen thưởng, thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận, tước danh hiệu vinh dự đối với chủ thể là cá nhân. Còn việc xử lý vi phạm là tập thể, lại chưa có tiền lệ.

Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cũng thừa nhận: Đây thực sự là vấn đề khó khăn nếu thu hồi hoặc huỷ bỏ các quyết định khen thưởng tập thể. Vụ Việt Á là do TP.HCM đề xuất khen thưởng công ty này có thành tích đầu tiên tạo kit xét nghiệm Covid, nhưng sau đó mới phát hiện sai phạm. Ban thi đua khen thưởng TƯ ương đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM là nơi đã ban hành Tờ trình khen thưởng, để thống nhất quan điểm xử lý. Nhưng, theo chúng tôi, đã thu hồi danh hiệu với cá nhân, thì hoàn toàn có thể thu hồi danh hiệu với tập thể, nếu không xứng đáng. Thưởng hay phạt cần nghiêm minh, đúng người, đúng sự việc, thì dư luận và những người trong cuộc mới tâm phục, khẩu phục!

Sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng lần này, cần quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan tham mưu trong khâu phát hiện, đánh giá thành tích, lập hồ sơ, thẩm định và lập Tờ trình về quyết định khen thưởng. Đồng thời, có chế tài giải quyết vướng mắc pháp lý khi thu hồi Huân-Huy chương với tập thể, như trường hợp Công ty Việt Á.