• 2377 lượt xem
  • 06:17 02/12/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Lợi và hại khi xóa tổ dân phố tại TPHCM

Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TPHCM đã báo cáo với người dân về việc lược bỏ các tổ dân phố, tổ nhân dân hiện nay. Điều này sẽ giúp TP.HCM tinh giản từ 64.000 người hoạt động không chuyên trách xuống còn khoảng 26.000 người, cũng như giảm được 45 tỷ đồng kinh phí hoạt động hàng năm.

Thực tế cho thấy, từ năm 1985 đến nay, TP.HCM duy trì mô hình tổ chức với 2 cấp trung gian dưới cấp phường-xã-thị trấn, gồm: Khu phố - ấp là cấp triển khai và phía dưới lại có tổ dân phố - tổ nhân dân là cấp thực hiện. Còn các tỉnh-thành phố khác đều thực hiện mô hình một cấp dưới phường, xã là thôn hoặc tổ dân phố, theo văn bản chỉ đạo của Trung ương.

Hiện tại, TP.HCM đã có quy định về quy mô của ấp phải từ 500 hộ gia đình trở lên, quy mô khu phố phải từ 700 hộ gia đình trở lên. Đối mỗi Tổ nhân dân, phải từ 50 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có từ 100 hộ gia đình trở lên. Từ thực tế này, UBND TP.HCM đã lựa chọn phương án sắp xếp lại hơn 27.000 Khu phố - ấp và Tổ dân phố - tổ nhân dân hiện nay xuống còn hơn 5.000 Khu phố-ấp.

Hiện tại, số lượng người hưởng phụ cấp theo Quyết định 48/2015 của UBND TP.HCM, các khu phố - ấp có 13 chức danh gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Cựu chiến binh… theo kiểu cấp xã có chức danh gì thì ấp có chức danh đó. Nếu áp dụng theo Nghị định 34 năm 2019, nhân sự ở khu phố - ấp chỉ còn 3 chức danh gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng ban điều hành và Trưởng ban công tác Mặt trận.

Theo đề xuất của TP.HCM về sắp xếp lại tổ chức dưới phường, sau khi bỏ mô hình Tổ dân phố - Tổ nhân dân, mỗi khu phố sẽ có 450 hộ trở lên và mỗi ấp có 350 hộ trở lên. Về số lượng người hưởng phụ cấp, sau khi sắp xếp, sẽ còn 3 chức danh gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố - ấp và Trưởng ban công tác Mặt trận. Đúng là giảm được đầu mối và nhân sự hưởng phụ cấp liên quan (dù chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng), nhưng việc thông báo-vận động-thu các loại phí-họp bàn, kiến nghị, thăm hỏi tại các khu dân cư...liệu có duy trì được hay không? Liệu Khu phố-Ấp có đủ người-đủ khả năng quán xuyến cư dân hay không? Ngay chuyện họp hành dân cư, có đủ hội trường để tất cả những hộ dân thuộc Khu phố-Ấp cùng đến dự hay không?...

Việc thực hiện mô hình mới, sẽ dẫn đến khó khăn, lúng túng bước đầu trong hoạt động và sắp xếp nhân sự. Khi không còn mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân, tất yếu khiến cho lượng nhân sự lớn bị tinh giản đột ngột, tạo áp lực công việc với những người hoạt động không chuyên trách. Như vậy, phải có lộ trình thực hiện sắp xếp lại mô hình cho toàn địa bàn thành phố và không thực hiện thí điểm.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ, Thành phố HCM có thể tạo điều kiện hình thành các nhóm hộ tự quản với khoảng 20 hộ dân, nhưng không làm tăng tổ chức như mô hình tổ nhân dân - tổ dân phố nữa. Nên khuyến khích đảng viên tại khu vực làm Trưởng nhóm nhằm nắm bắt tình hình an ninh, trật tự và vận động các phong trào, công việc của cộng đồng.

Theo một số nguyên Đại biểu Quốc hội, kế hoạch xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân ở TP.HCM là quyết định phù hợp với quy định của Trung ương và nếu thực hiện được, có thể coi là một bước đột phá về quản lý hành chính. Nhưng, cũng phải tính toán cân nhắc, dự kiến những tình huống phát sinh để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh “tách-nhập, “nhập-tách” hay “xóa bỏ” xong lại “tái lập”, tuy giảm được đầu mối nhưng lại tăng phình chỗ khác.

Chúng tôi kết nối với TS. LƯU BÌNH NHƯỠNG-Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tìm hiểu về vấn đề này!

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

Ngọc Dũng