• 3273 lượt xem
  • 08:00 04/06/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Nếu cứ “đèn nhà ai nhà ấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình được

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ và xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam, minh chứng là một loạt các vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng như vụ mẹ kế bạo hành con riêng của chồng đến tử vong ở TPHCM, hay cha dượng đóng đinh vào đầu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ. 

Quá trình thảo luận về dự thảo luật, cùng với những ý kiến tán thành sửa đổi luật và có các chế tài thích đáng cho các hành vi vi phạm, các đại biểu cũng cho rằng, cần nhận diện đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình. Bởi trong thực tế, đôi khi sự quan tâm hay thậm chí là yêu thương không đúng cách cũng là hành vi bạo lực gia đình. Có lẽ nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, ép con trẻ học cũng được xác dịnh như là hành vi bạo lực.

ÉP HỌC TẬP LÀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Học online kéo dài vì dịch, không phải em học sinh nào cũng tiếp thu tốt. Phụ huynh lo con học online không hiệu quả nên lại càng thúc ép, giám sát chặt.

Em LƯU TRÀ GIANG, học sinh lớp 6A7, Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội:Ngay cả khi học trực tiếp em cũng khó tập trung nên học online thì em càng không tập trung được. Dù bố mẹ ốp em rất chặt nhưng em vẫn không thể nào học tập trung được. Mới đây, em được điểm 6…”.

Áp lực tạo nên sự trưởng thành là lý luận mà nhiều người lớn dùng để biện hộ cho sự can thiệp thô bạo của mình. Nhưng áp lực đến đâu, áp lực vào lúc nào sẽ dẫn đến những tình huống khác nhau. Rõ ràng, con trẻ không chỉ cần duy nhất áp lực mới có thể trưởng thành.

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Thêm cái áp lực vào nữa nó tạo thành vòng luẩn quẩn, đẩy con trẻ vào những cái lựa chọn mà đôi khi chúng không lường hết được. Như vậy là chúng ta làm hại các con, làm hại thế hệ trẻ.

Không chỉ can thiệp khi con còn nhỏ, nhiều bậc phụ huynh còn tiếp tục can thiệp thô bạo vào những lựa chọn như chọn trường, chọn nghề… Đây không nên được xem như một hành vi bình thường, một quyền lực hiển nhiên giữa cha mẹ với con cái. Chỉ mặt, điểm tên những hành vi này trong luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi là điều mà các đại biểu, các chuyên gia hết sức quan tâm.

Bà KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS): “Rất nhiều người nghĩ rằng cái hành vi quát mắng, ép con học không phải hành vi bạo lực. Cho nên, việc gọi tên hành vi đó ra là rất cần thiết. Chúng ta có thể rà soát những gì trong Luật Trẻ em còn chung chung thì chúng ta cụ thể hóa nó ra, vì có thể vài năm nữa mới sửa được, đây là cơ hội để chúng ta mở rộng luật đến mọi thành viên trong gia đình".

NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VỀ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Các bậc phụ huynh luôn yêu thương và bảo vệ con em mình nhưng không phải ai cũng biết yêu thương đúng cách. Ngay trong gia đình, nhiều khi tình yêu thương lại chẳng khác gì sự bạo lực, mong con chăm học, thành tài đôi khi lại gây áp lực cho con trẻ và cá biệt sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng. Chính vì vậy, để phù hợp với công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, đã có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, song song với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bạo lực gia đình có sự phát triển phức tạp trong xã hội hiện đại, tạo nên những vấn đề nhức nhối, đau lòng. Có những trường hợp không phải chỉ ở việc bạo hành về thể chất mà còn bạo hành về mặt tinh thần, với những ảnh hưởng sâu sắc, nguy hiểm. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đối với luật này, nhận diện hành vi đã thay đổi rất nhiều từ khi mới cho ý kiến vòng đầu. Tình trạng nhức nhối thành viên trong gia đình ép buộc con cái học hành quá mức dẫn đến con cái trầm cảm, tự tử… đã được tiếp thu trong này. Vấn đề tinh thần đã được nói đến trong này, nỗi đau từ bạo lực thể xác, nhưng tinh thần còn hơn. Cho nên cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hành vi …”.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch:Chúng tôi lựa chọn được 18 hành vi được quy là bạo lực gia đình. Trong thực tiễn còn hành vi nào nữa, đề nghị góp ý thêm vào, nhất là về bạo lực tinh thần. Chúng ta phải tính đến trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của con người. Nếu cứ kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng” thì không thể phòng chống được”.

Hoà thượng THÍCH BẢO NGHIÊM, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội:Có cái rất đau lòng, khi 2 vợ chồng đó mâu thuẫn thì đứa con đó có liên quan gì mà 1 mẹ và 1 bố bế con đi tự tử. Tôi đọc chưa thấy vấn đề này. Ví dụ như ông bố, bà mẹ đó tự tử, nếu chết thì không có chuyện nữa nhưng nếu được cứu sống thì có đưa vào tội bạo lực gia đình không?”.

Bên cạnh đó, việc bạo hành gia đình còn xảy ra ở các môi trường khác nhau ở trong một gia đình, không phải chỉ ở trong nhà, mà bên ngoài gia đình, trên môi trường mạng. Đây cũng là những vấn đề mới cần phải được rà soát.

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Đề nghị bổ sung bạo lực gia đình trên môi trường mạng. Bản thân người bị bạo lực rất ngại khi bị người khác biết được nỗi khổ của bản thân”.

XEM XÉT MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG HÀNH VI BẠO LỰC

Trong bối cảnh hiện nay, khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức phức tạp, việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình là cần thiết. Bên cạnh đó, đối tượng bị bạo hành cũng cần phải xem xét để bao quát phạm vi điều chỉnh, vì ngoài đối tượng là con cái, bố mẹ, ông bà, vợ chồng, người thân, những người bị phụ thuộc thì  người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo quy định của khoản 2, Điều 4 dự thảo luật, hành vi bạo lực gia đình còn áp dụng đối với cả đối tượng người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Đại biểu nhận định, việc điều chỉnh mở rộng đối tượng thực hiện hành vi bạo lực gia đình như vậy là phù hợp.

Bà VƯƠNG THỊ HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: “Trên thực tế, có nhiều trường hợp không phải là vợ chồng khi cùng chung sống dưới 1 mái nhà, việc bạo hành con riêng xảy ra thời gian gần đây rất thương tâm, thậm chí đã có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn tới tử vong, gây bức xúc dư luận. Nếu không quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng chắc chắn sẽ bỏ lọt đối tượng gây bạo lực gia đình.”

Tuy nhiên ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng, việc mở rộng các đối tượng như trên là không hợp lý trên thực tế.

Ông BÙI SỸ HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Nên bỏ đối tượng áp dụng là những người chung sống với nhau như vợ chồng. Đây là quan hệ không được pháp luật công nhận, không phải quan hệ gia đình và đây cũng là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nếu đưa vào sẽ không phù hợp. Với những người đã từng có quan hệ chăm sóc tại khoản 2, Điều 4 là quá rộng. Cần phân biệt rõ quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng trong gia đình với chăm sóc nuôi dưỡng không mang tính chất gia đình. Ví dụ trường hợp nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội nhưng không có quan hệ gia đình. Nếu xảy ra hành vi như quy định tại Điều 4 của dự thảo mà áp dụng các quy định của luật sẽ không phù hợp.”

Ông NGUYỄN DUY THĂNG, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Gia đình phải dựa trên cơ sở hôn nhân, huyết thống. Li hôn thì quan hệ đã chấm dứt, nếu đưa đối tượng này vào thì ban soạn thảo cân nhắc lại đối tượng áp dụng.”

Dự án Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) đã kế thừa luật hiện hành khi tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật. 

Thực tế bạo lực gia đình diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp nhưng các biện pháp giáo dục, ngăn ngừa, răn đe chưa thực sự được quan tâm. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra nhưng đến khi báo chí thông tin, những người xung quanh và xã hội mới biết. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng phải làm sao đề mọi người nhận thức được phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Giáo dục chính là biện pháp phòng ngừa, xử lý để răn đe, ngăn chặn, để không dám, không thể để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, giáo dục truyền thống, chứ bây giờ gia đình tứ đại đồng đường quây quần mâm cơm có còn nữa đâu. Ngày xưa làm gì có con đánh bố mẹ, giờ con đánh cả bố mẹ thì Bộ Văn hóa ở đâu, giáo dục đạo đức ngay trong học đường cũng là vấn đề”.

Ông PHẠM ĐỨC ẤN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Ngay cả người trong gia đình chưa chắc đã nhận thức ra, con tôi tôi dạy hay việc con tố cáo cha mẹ có hành vi bạo lực gia đình là khó. Các nước phương Tây chấp nhận dễ dàng còn phương Đông vượt qua rào cản nhận thức đó rất khó, đó là vấn đề giáo dục”.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Vừa qua, báo chí thông tin các vụ bạo lực gia đình mà xã hội, xung quanh không biết thì có phải là sự thờ ơ hay không, do đó cần tăng cường giáo dục chung cho xã hội là vấn đề rất quan trọng, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội mới ngăn chặn được bạo lực gia đình”.

Hiện nay, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (chiếm 32%) bị chồng bạo lực. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình với người cao tuổi cũng được ghi nhận khá phổ biến và vẫn đang tiếp diễn. 

Vậy việc sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình sẽ có những tác động như thế nào, các nội dung sửa đổi cụ thể ra sao? Chúng tôi kết nối để phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh – người sáng lập và là Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

Rõ ràng, việc tiếp tục quy định về các hành vi và đối tượng bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật. 

Tới đây, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện. Cùng với đó, theo chúng tôi, cần đánh giá những nội dung còn hạn chế thuộc về quy định của luật hay do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho đúng và đầy đủ, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, khắc phục được hạn chế vướng mắc của những quy định pháp luật, đảm bảo việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. 

Việc sửa đổi luật phải đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.