Góc nhìn hôm nay: Phòng chống bạo lực gia đình - Trách nhiệm không của riêng ai

Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 4. Việc phòng chống bạo lực gia đình không chỉ tạo nên một môi trường xã hội lành mạnh, ổn định, góp phần xây dựng gia đình văn hóa. Thời gian qua, một số tỉnh, thành đã xây dựng nhiều mô hình và phát huy vai trò cộng đồng để góp phần đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình.

Để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho đúng và đủ hành vi bạo lực gia đình. Do đó, thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung vào Dự thảo luật những hành vi bạo lực gia đình; Đồng thời tiếp tục cân nhắc việc quy định hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn. Người bạo lực gia đình sẽ bị giữ tại trụ sở công an trong 6 giờ, không giới hạn số lần, biện pháp tương tự như tạm giữ hành chính. 

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được trình cho ý kiến tại kỳ họp lần này có 5 điểm mới so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022). Luật này cũng đã tiếp cận và hoàn thiện được 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Thực tế hóa sâu hơn về quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được quy định, đó là vấn đề bám sát các thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để không trái với quá trình hội nhập và khắc phục những bất cập của luật cũ. Đây là dự án luật được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân rất quan tâm. 

Việc sửa đổi luật lần này là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình và tạo ra hành lang pháp lý an toàn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Hướng tới mục tiêu phòng ngừa không để hành vi bạo lực xảy ra hoặc biện pháp xử lý là để các thành viên trong gia đình ý thức trách nhiệm của mình với các thành viên khác, quan tâm, yêu thương, gắn kết với nhau hơn để đạt được mục đích xây dựng gia đình ngày càng ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Dự án luật đang tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào ngày 4.11 tới đây.

Phan Hằng