Góc nhìn hôm nay: Quốc hội giám sát công tác quy hoạch để đồng hành cùng Chính phủ gỡ quy hoạch treo

Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã dành cả ngày 30/5 để thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Hiện nay, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.

Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ. Tuy nhiên, mới chỉ có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Điều này cho thấy Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập, hoạt động quy hoạch còn nhiều tồn tại, trong đó, “quy hoạch treo” có lẽ là một trong những tồn tại dễ nhận thấy nhất. 

Phóng sự sau đây của chúng tôi nêu một ví dụ cụ thể về “quy hoạch treo”.

Năm 1992, bán đảo Thanh Đa – Bình Quới được phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM với diện tích gần 430ha, bao gồm toàn bộ địa phận của phường 28, quận Bình Thạnh. 

Ông NGUYỄN THANH NHÃ - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM: “Khi đó, chủ trương lớn và ý tưởng quy hoạch là một đô thị mới hoàn toàn, giải toả trắng, để đưa vào chức năng đô thị, hạng mục mới, hiện đại.” 

Nhưng sau 30 năm, đô thị hiện đại ấy vẫn nằm trên giấy, còn vùng đất được ví von là “viên  ngọc quý” của TP.HCM được phủ bởi ao, hồ, cỏ dại và những căn nhà tạm bợ, rách nát. 

Chị QUÁCH THỊ THU VÂN - phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM: “Mình sống ở đây mấy chục năm rồi, từ nhỏ tới lớn, nay mình cũng bốn mấy tuổi rồi. Hồi nào giờ ở đây cứ quy hoạch hoài, không cho dân sửa chữa nhà cửa, xây mới gì hết. Bao nhiêu thế hệ cứ sống vậy, không có gì đổi mới hết.”

Hiện TP.HCM đang tiến hành rà soát, điều chỉnh lại một số hạng mục quy hoạch và xem xét thêm nhiều phương án kêu gọi đầu tư khác để khởi động lại dự án. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Vậy nên, cuộc sống của người dân tại Thanh Đa – Bình Quới sẽ vẫn bị “treo” cùng dự án. Họ tiếp tục sống tạm bợ trên chính mảnh đất của mình.

XỬ LÝ CÁC DỰ ÁN TRONG QUY HOẠCH “TREO” NHƯ THẾ NÀO?

Nằm ở vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố, có sông ngòi bao quanh, nhưng 30 năm nay bán đảo Thanh Đa - Bình Quới thuộc địa phận phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM như một ốc đảo hoang sơ, tách biệt với những khu vực xung quanh với nhãn dán một dự án treo. Và đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án đã treo trên giấy hàng chục năm qua. 

Quy hoạch vốn được ví như người công binh mở đường, phải đi trước trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, quy hoạch treo, dự án treo vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm giảm niềm tin của người dân. Đây là vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Bên cạnh đó, việc quy hoạch chưa tốt, dự báo chưa đúng dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện. Vốn đầu tư hạn hẹp nên không thể triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt, dẫn đến quy hoạch treo, cần phải điều chỉnh quy hoạch.

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Luật Quy hoạch năm 2017 ban hành đưa đến việc đồ án quy hoạch đô thị trở thành công cụ quản lý quy hoạch duy nhất ở cấp đô thị. Cần nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch, trình, lập quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, đáp ứng theo cầu mới. Quy hoạch cần đổi mới phương pháp mang tính chiến lược hơn, hướng tới việc thực hiện đảm bảo sự tham gia. Cần phân biệt đồ án quy hoạch để quản lý và đồ án quy hoạch để đầu tư, sẽ hạn chế những quy hoạch treo do vấn đề vốn đầu tư.”

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Tôi xin kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.”

Sau chuyên đề giám sát này, đại biểu đề nghị Quốc hội có nghị quyết để giải quyết rốt ráo, quyết liệt vấn đề quy hoạch treo ở nhiều địa phương, trước mắt cần có chính sách đột phá, đảm bảo quyền lợi người dân sống trong vùng quy hoạch này.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: “Khi làm quy hoạch cần có mấy tiêu chí: hợp lý, khả thi và hài hòa các lợi ích, nếu không hài hòa các lợi ích thì phải gạt bỏ. Lần này phải có 1 đột phá trong chính sách của chúng ta về quy hoạch. Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo 1 số tỉnh thành chọn 1 số điểm quy hoạch treo kéo dài - như vợ chồng lấy nhau sinh con đẻ cái đến thế hệ thứ 3 rồi mà nhà cửa không được xây, chuyển nhượng mua bán gì cả - để đột phá, giải quyết cấp tốc trong nhiệm kỳ này.”

KHÓ KHĂN KHI TÍCH HỢP QUY HOẠCH 

Không chỉ phân tích về quy hoạch treo, các đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét lại một cách nghiêm túc, căn cơ việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, không để tình trạng “loạn quy hoạch”. Đây là vấn đề lớn, khó, chưa được luận giải thấu đáo qua hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và 14. Và thực tế triển khai Luật Quy hoạch gặp nhiều vướng mắc có nguyên nhân từ việc chưa phân định ai là nhạc trưởng cho vấn đề tích hợp quy hoạch.

Với góc độ là công trình nghiên cứu khoa học, đại biểu đặt câu hỏi về phạm vi, đối tượng, mục tiêu và nội dung nghiên cứu của Luật Quy hoạch 2017 mang tính tích hợp là gì? Luật xây dựng theo hướng tích hợp các loại quy hoạch phi vật thể và quy hoạch vật thể với hàng trăm loại quy hoạch khác nhau, qua quá trình thực hiện cho thấy thực sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi.

Bà NGUYỄN THỊ XUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: “Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm nào? Đã có trường nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa và ai và hành quy hoạch nào được coi là kiến trúc sư chủ trì đồ án quy hoạch tác hợp này".

Cho đến nay, vẫn chưa có 1 nhạc trưởng tổng thể về quy hoạch và tích hợp quy hoạch. Một số đại biểu đề nghị cần giao Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch, phương pháp tích hợp.

Ông NGUYỄN HẢI ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Nội hàm tích hợp quy hoạch được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, luật không quy định do cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về quy trình lập kế hoạch bằng phương pháp thích hợp nên thời gian qua khó triển khai trong thực tiễn.”

Ông TẠ VĂN HẠ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Vấn đề tích hợp cả ngành này ngành khác, cấp này với cấp khác còn khó khăn, thậm chí có tầm nhìn cả tương lai nữa. Hiện nay, cái khó nữa là nhạc trưởng, chúng ta còn thiếu nhạc trưởng. Bây giờ ai là người tích hợp các vùng, địa phương, lĩnh vực, làm sao để liên thông tốt hơn, không đồng bộ, chồng chéo.”

Tích hợp quy hoạch không chỉ là ghép lại các bản quy hoạch mà phải thực hiện đồng thời theo cả chiều dọc, bề ngang và ở tất cả các cấp ngành địa phương để tạo sự thống nhất. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, việc tích hợp các quy hoạch vào 1 quy hoạch chung rất khó để thực hiện.

Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Về kinh nghiệm thế giới và thực tiễn, chúng tôi cho rằng, việc đưa ra 1 quy hoạch kể cả cấp tỉnh, kể cả quốc gia mà có khả năng tích hợp trong 1 quy hoạch là một điều rất khó khăn về mặt kỹ thuật, với 1 Bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu về thông tin địa lý thì hiện nay chưa thể thực hiện được.”

Mỗi quy hoạch có thông số chỉ tiêu kỹ thuật, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn khác nhau, vì vậy các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại, việc tích hợp sẽ được thực hiện thế nào? Với gần 20.000 quy hoạch thời kỳ 2010-2020, bộ lọc nào để có thể rà soát, điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ những quy hoạch không phù hợp để thực hiện việc tích hợp?

Tại phiên thảo luận Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thể hiện sự đồng tình và đánh giá rất cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề này để giám sát tối cao, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, giúp cho công tác điều hành của Chính phủ được thuận lợi hơn, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG: “Để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch. 

Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển bền vững đất nước.”

Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận ngày 30/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch, xuất phát từ nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp, từ hệ thống quy hoạch cho đến khái niệm tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch, trình tự lập các quy hoạch, nội dung quy hoạch đến phương pháp tiếp cận, phối hợp trong công tác lập quy hoạch cũng như sự thay đổi sâu sắc về vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Từ đó, đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Trước mắt, cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các giải pháp trong trung và dài hạn Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…”.

Quy hoạch nếu đi trước một bước sẽ trở thành động lực cho sự tăng trưởng, dẫn dắt, định hướng và thể hiện khát vọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành và của từng địa phương. Khi quy hoạch có tầm nhìn tốt, chiến lược tốt và được quản lý chặt chẽ sẽ là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Ngược lại, nếu quy hoạch làm không đến nơi đến chốn sẽ là lực cản. Những bất cập, hạn chế, khó khăn trong công tác quy hoạch hiện nay đòi hỏi phải có ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. 

Từ việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch, đến hoàn thiện pháp luật, giải bài toán nguồn lực và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương… và quan trọng nhất trong quá trình này, chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu. 

Thu Quỳnh