• 9793 lượt xem
  • 05:56 03/05/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Quy hoạch treo 30 năm vẫn chưa lối thoát

Có những quy hoạch ‘treo’ tới 20 - 30 năm. Người dân từ lúc còn thanh niên và đến giờ, đã ở cái tuổi 55-60 mà vùng đã được quy hoạch ấy, vẫn chỉ là bãi đất hoang, để cỏ mọc. Dự án Làng Đại học Hưng Long, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh là một điển hình. Người dân không có nhà, không có đất, sống tạm bợ nhưng dự án từ 1992 đến nay vẫn trên giấy, vẫn đợi điều chỉnh, đợi phê duyệt.

Đây là do quy hoạch nhìn chưa tới tầm, hoặc là chủ đầu tư chưa có điều kiện thực hiện. Những dự án chậm triển khai này, mặc dù đã thu hồi đất của dân, đã giải phòng mặt bằng và quây tôn 4 phía, nhưng lại không làm gì cả nhằm xí phần, xếp chỗ. Còn nhà đầu tư có năng lực hơn, lại không được thực hiện.   

Những dự án treo, được quy hoạch làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân bay, bến cảng … nhưng chỉ vẽ ra giấy, do năng lực quy hoạch ban đầu kém hoặc không có nguồn lực triển khai dự án. Còn người dân trong khu quy hoạch này lại không được sửa chữa nhà cửa, mua bán đất đai. Thậm chí, đang khát nước cũng không được đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, vì đất đã quy hoạch cho cái khác.  

XUNG ĐỘT VÀ LÃNG PHÍ TỪ “QUY HOẠCH TREO”

Huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh, là một ví dụ điển hình về nỗi thống khổ của người dân trong khu quy hoạch “treo”. 

Đây là căn nhà mới cất tạm để che mưa che nắng của gia đình anh Phạm Văn Hải, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM, sau khi bị chính quyền tháo dỡ vì nằm trong khu quy hoạch Dự án Làng Đại học Hưng Long.

Anh PHẠM VĂN HẢI, Xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh: “Đất ở đây thì Nhà nước quy hoạch dự án, treo biết bao nhiêu năm rồi mà không làm gì hết. Gia đình khó khăn quá muốn cất nhà ở, thì Nhà nước nói đất quy hoạch không cho cất. Dỡ đâu 4 lần. Không biết sao, giờ đi làm ve chai, bạn mới cho cái rạp che đỡ vì nhà nước không cho sửa chữa, trời mưa thì dột hết trơn, chỉ ở được mấy tháng nắng thôi”.

Không riêng gia đình anh Hải, 30 năm qua, hàng trăm hộ dân thuộc dự án Làng Đại học Hưng Long, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đều phải sống cảnh tạm bợ vì vướng quy hoạch, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM: "Nói đất ở, nhưng không xin phép. Chính quyền kêu tôi tháo dỡ, rồi tôi xin khúm lại chút xíu vậy tôi ở này”.

Ông PHẠM VĂN LUỸ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh: “Đây là dự án treo cũng tương tự như các dự án khác của khu Nam đang quản lý. Nhức nhối vấn đề đó là người dân không xây dựng được nhà, không sửa chữa được nhà, không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Theo quy hoạch, Dự án Làng Đại học Hưng Long thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh được phê duyệt năm 1992 với diện tích 511ha. Năm 2016, UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1:2000. Nhưng do khó khăn về nguồn vốn, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nên nhiều năm nay, dự án này vẫn nằm yên. Tới năm 2018, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận đề xuất của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, điều chỉnh Khu đại học Hưng Long thành Khu đô thị đại học Hưng Long để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên tới nay, chủ trương này vẫn còn vướng do nhiều quy định liên quan.  

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh: “Có những nội dung về điều chỉnh quy hoạch, nhất là những khu đặc thù như đại học, khu công nghiệp… Khi chúng ta điều chỉnh những chỗ đó thì phải chờ quy hoạch cấp cao hơn là quy hoạch chung của thành phố, chứ không phải đơn phương là điều chỉnh được ngay. Sở Quy hoạch kiến trúc được thành phố giao nhiệm vụ và đã trình thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch rồi, chúng tôi đang thực hiện những bước tiếp theo để lựa chọn đơn vị tư vấn và lập đồ án. Khả năng 12-15 tháng sắp tới sẽ có đồ án mới để trình phê duyệt. Sau khi có đồ án mới thì mới có cơ sở để điều chỉnh những khu tương tự như thế”.

Vậy nên, sau mấy chục năm sống trong những căn nhà tạm bợ, chật chội, rách nát, điệp khúc “chờ” vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với gia đình anh Phạm Văn Hải và hàng trăm hộ dân khác nằm trong khu quy hoạch này.

Theo Luật Quy hoạch, 3 năm phải rà soát 1 lần, nếu quy hoạch không khả thi sẽ loại bỏ. Thế nhưng, tại TP.Hồ Chí Minh hàng trăm quy hoạch “treo”, còn cả nước có đến hàng nghìn, vẫn thi gan hết năm này qua năm khác, kéo theo những hệ lụy xấu về kinh tế, xã hội. 

Do đó, khi lập hay điều chỉnh quy hoạch, đều phải ưu tiên hạ tầng đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội. Quy hoạch là đụng tới lợi ích của người dân. Bởi vậy, ở cấp huyện, một số dự án có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì phải hỏi ý kiến người dân, phải công khai để người dân góp ý. 

Khu vực Bình Quới – Thanh Đa 426ha được quy hoạch đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 450.000 người. Nhưng sau 30 năm, vẫn chưa có gì thay đổi, cũng từ việc không công khai cho người dân góp ý.  

THÁO GỠ “DỰ ÁN TREO” TRÁNH LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI

Nằm ở vị trí đắc địa gần trung tâm TP, sông ngòi bao quanh, bán đảo Thanh Đa – Bình Quới thuộc phường 28, quận Bình Thạnh được ví như “viên ngọc quý” của TP.HCM. Năm 1992, để hiện thực hoá giấc mơ biến bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM, UBND TP đã chính thức phê duyệt dự án Khu đô thị Bình Quới Thanh Đa với diện tích 429,93ha. Tuy nhiên sau 30 năm, “nàng công chúa Thanh Đa” vẫn say ngủ, bỏ mặc hàng ngàn hộ dân sống khốn khổ trong những căn nhà chật chội, xuống cấp.

Chị QUÁCH THỊ THU VÂN, phường 28, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh: “Mình sống ở đây mấy chục năm rồi. Từ nhỏ tới lớn. Nay mình cũng bốn mấy tuổi rồi. Hồi nào giờ ở đây cứ quy hoạch hoài, không cho dân sửa chữa nhà cửa, xây mới gì hết. Bao nhiêu thế hệ cứ sống vậy. Nhà mình là cấp 4. Mỗi hộ là 4-5 người, mà 4 hộ chung 1 nhà”.

Cũng như Bình Thạnh, Bình Chánh, tình trạng dự án được phê duyệt quy hoạch nhưng không thực hiện, đã xảy ra khá nhiều ở các quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM.

Ông PHẠM VĂN LUỸ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh: “Trên địa bàn huyện Bình Chánh rất nhiều dự án, nhưng dự án không phải vốn của ngân sách nhà nước là trên dưới 100 dự án. Đó là dự án xây dựng nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội và các dự án khác”.

Đa phần nguyên nhân của tình trạng quy hoạch phê xong rồi ở yên trên giấy, không thực hiện, do những vướng mắc liên quan tới đền bù, tái định cư, còn công tác lựa chọn nhà thầu, chất lượng đồ án quy hoạch là chưa cao, thiếu đồng bộ…

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh: “Thực ra quy hoạch lúc nào cũng xác định mục tiêu dài hạn 10, 20 năm. Những đồ án quy hoạch đó chúng ta đều phải xác định những định hướng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta thiếu tầm nhìn về nguồn lực, những kế hoạch phát triển đi kèm. Cho nên khi chúng ta bắt tay vào triển khai sẽ có những vướng mắc, vấn đề phát sinh”.

Với hàng trăm dự án treo như hiện nay, TP.Hồ Chí Minh không chỉ khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu định cư, ổn định của người dân nằm trong khu quy hoạch mà đang phải đối mặt với tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất quý giá.

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh: “Thiệt hại đầu tiên là ảnh hưởng đến cuộc sống của ngừoi dân. Nhà nước không triển khai được kế hoạch của mình, không phát triển được KT-XH. Đó cũng là lãng phí. Lượng hoá thì chúng tôi chưa lượng hoá nhưng đánh giá chung thì lãng phí không nhỏ”.

Cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc trên cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã được phân cấp, là hết sức cấp bách. Có gỡ được những nút thắt này, mới hy vọng người dân vùng quy hoạch treo-dự án treo mới bớt khổ, còn nguồn tài nguyên đất đai không còn bị lãng phí.

QUYẾT THU HỒI NHỮNG DỰ ÁN XÍ PHẦN, GIỮ CHỖ

Điều 52 của Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2019 quy định: "Quy hoạch được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch.

Kết quả rà soát quy hoạch phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch."

Theo Luật số 35 năm 2018 của Quốc hội khóa 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 về xử lý quy hoạch "treo": Sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc này đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.   

Còn Luật Kinh doanh bất động sản 2014, quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng…” .

Các Luật đã có, nhưng quy hoạch dự án “treo” vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Đã đến lúc phải mạnh tay hơn.    

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội đã có tra đổi với Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công.

Phóng viên: Thưa ông, vướng mắc nào khiến cho hàng nghìn dự án treo 25-30 năm nay như Bình Chánh, Bình Qưới - Thanh Đa hay Thủ Thiêm vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ?
       
Ông HOÀNG ANH CÔNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chất lượng quy hoạch của chúng ta rất yếu, quy hoạch không đồng bộ,việc triển khai, tổ chức, lập quy hoạch rất chặt chẽ, tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch thì lại rất đơn giản, dẫn đến trong thực tế áp dụng luật quy hoạch, áp dụng đồ án quy hoạch không tuân thủ nghiêm ngặt đề án quy hoạch dẫn đến phá vỡ nó. Những dự án như phóng viên nêu đã có sự bất cập ngay từ đầu, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố khi lập quy hoạch, từ cả nguồn lực đến yếu tố về văn hoá, xã hội, con người về những điều kiện đáp ứng được môi trường, ngân sách, nguồn lực để triển khai quy hoạch đó. 

Sau khi quy hoạch xong, chúng ta giao đất đó cho các nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai thực hiện. Nhiều nhà đầu tư khi nhận được đất, họ không có mục tiêu mục đích để triển khai thực hiện. Việc này gây ra hệ luỵ rất lớn cho kinh tế xã hội, đời sống của người dân. Đối với người dân nằm trong vùng dự án, khi chưa di dời, thì họ không được sửa, chữa nhà cửa, không được xây cất, điều kiện sống rất khó khăn, điều kiện về điện, nước cũng rất khó khăn”.

Phóng viên: Đã có Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, người dân cũng mong mỏi giám sát để tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch. Thời gian tới Quốc hội sẽ có những động thái mạnh hơn như thế nào để khắc phục tình trạng này?

Ông HOÀNG ANH CÔNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về mặt pháp lý, chúng ta phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến đất đai, quy hoạch, nhà ở, bất động sản để tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập, không phù hợp với thực tiễn mà khi chúng ta làm luật chúng ta chưa tính đến. Chúng ta cần phải có tính dự báo trong xây dựng pháp luật, quy hoạch là đi trước một bước, phải quy hoạch tốt thì mới triển khai tốt. 

Nếu chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng là chúng ta sẽ đưa vào hậu thế, tương lai một quy hoạch lổn nhổn, không hệ thống. Chúng ta cũng phải tăng cường giám sát, hoạt động quản lý nhà nước các cơ quản lý nhà nước liên quan đến quy hoạch, xây dựng. Quy hoạch cần mang tính kỉ luật, quy hoạch đã ra thì không tuỳ tiện thay đổi. Xử lý nghiêm những vi phạm về xây dựng, quy hoạch”. 

Kẽ hở của Luật Quy hoạch, là một nguyên nhân dẫn đến lập quy hoạch sơ sài, thiếu khả thi. Từ đó, chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh, nhằm tăng tối đa hóa lợi nhuận, kéo dài thời gian thực hiện để tránh bị thu hồi dự án khi đã có quyết định giao đất. Mặt khác, chính cán bộ công quyền được giao quản lý đã bắt tay với chủ đầu tư, cố tình “treo” dự án, gây thiệt hại cho xã hội và người dân.

Một nguyên đại biểu Quốc hội từng thốt lên khá chua chát: “Khi chúng ta xây dựng Luật Quy hoạch, tôi nhận thấy rất đầy đủ, trên toàn quốc có khoảng 19.800 quy hoạch, từ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp vùng, đến ngành, địa phương với tổng số tiền 8.000- 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại không đồng bộ, thậm chí có nhiều quy hoạch treo, quy hoạch chồng quy hoạch, lãng phí lớn tài nguyên đất đai. Người dân sống trong đó không được cải tạo, sửa chữa nhà ở xuống cấp, không được hưởng những dịch vụ tối thiểu về điện, nước”.  

Bởi vậy, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành", trong đó có quy hoạch “treo”, sẽ được Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.