• 1630 lượt xem
  • 23:25 30/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Thu gom, biến rác thải thành điện - Một bài toán khó

Rác thải sinh hoạt không còn là chuyện nhỏ con, chả đáng để bàn nữa. Nếu một ngày cả nước để ùn gần 40 nghìn tấn rác thải sinh hoạt đô thị, chưa kể khoảng 30 nghìn tấn rác thải sinh hoạt ở nông thôn, thì đường phố, ngõ hẻm sẽ chất cao như núi! Biến thứ vất đi ấy thành hàng hóa thương mại hay điện sinh hoạt, đã là hiện thực với những nước tiên tiến.

Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ tháng 7 vừa qua, nhưng là nhà máy duy nhất. Để điện rác không vụt lóe lên, phải hà hơi-tiếp sức cho nó. Cuộc hội thảo quốc tế mới đây tại Đà Nẵng, lại tiếp tục giới thiệu những giải pháp và công nghệ mới về thu gom và tái chế, đặc biệt là đốt rác phát điện.       

Chúng ta có hẳn một đạo luật về bảo vệ môi trường, cùng nhiều văn bản pháp quy. Mới nhất là Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25.8.2022, để tăng hiệu lực thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020. Mức xử phạt vi phạm hành chính nặng hơn, tính răn đe cao hơn các Nghị định cũ, nhằm tạo chuyển biến từ ý thức người dân cho đến đơn vị thu gom, xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt.      

Nhưng, thực tế có đạt được mục tiêu hay không, lại là câu chuyện khác.     

KHÔNG GIÁM SÁT NỔI ĐỂ XỬ PHẠT HÀNH VI VI PHẠM  

Tại bất kỳ điểm thu gom rác thải sinh hoạt của Hà Nội hay nhiều địa phương khác, người dân chỉ nhìn thấy 1 kiểu xe gom rác như thế này. Rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng, đều được gom chung vào xe chứa rác. Đến giờ quy định, nhà nào cũng đều cho lên thùng xe, sau đó đơn vị thu gom rác chuyển lên xe chuyên dụng đi xử lý.

Ông HOÀNG ĐẠO TẤN - Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Chúng tôi cần được hiểu rõ để phân loại rác thải sinh hoạt, ngay cả túi chứa rác đã phân loại là túi ni-lon có đúng quy cách hay không.”

Ông LÊ ĐỖ PHƯƠNG - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Cần trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để thu gom và vận chuyển rác thải đã phân loại.”

Người dân và chính quyền cơ sở đều ủng hộ việc phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn. Nhưng, cần bố trí ít nhất 3 thùng chứa loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế tại các khu dân cư. 

Đơn vị thu gom cũng phải tiếp nhận rác đã được phân loại và xử lý. Đây là dây chuyền xử lý rác cồng kềnh của Trạm trung chuyển đường Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Các loại rác thải cồng kềnh, rác thải cứng sẽ được đưa vào máy xay, nghiền trước khi chuyển sang máy ép. Theo nhà thầu, máy xay rác được đặt ở khu nhà riêng, là máy xay rác hiện đại đầu tiên ở Đà Nẵng.

Ông ĐẶNG QUẾ HÙNG - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí ô tô chuyên dùng An Lạc, TP.Hồ Chí Minh: “Quy mô 485 tấn/ngày đó là đối với rác sinh hoạt. Bên cạnh đó còn có chức năng là tiếp nhận và xử lý rác cồng kềnh, Khu vực đó bố trí một hệ thống nghiền rác cồng kềnh gồm máy nghiền, băng tải và công suất 4-6 tấn/giờ.”

Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể cho phân loại rác vẫn còn bất cập ở các địa phương, nên dù nhiều lần thí điểm cho đến khi Nghị định 45 có hiệu lực, nhưng kết quả vẫn không khả quan. 

Thạc sỹ NGUYỄN VĂN THIỀN - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương: “Phân loại tốn kém, nhưng người dân phân loại được gì? Doanh nghiệp xử lý được gì chứ? Bây giờ tôi cho rằng, yêu cầu ông vận chuyển rác phải chở riêng cho tôi nhưng đem ra khu xử lý thế nào? Chúng ta đặt phân đề: Sau khi phân loại xong, giải quyết đằng sau đó là cái gì? Đưa lên nhà máy rác xử lý kiểu gì? Nếu đốt thì phân loại hay không phân loại cũng không khác gì, nó đỡ được cái là đốt ở bên ngoài thôi.”

Phân loại rác tại nguồn là hợp lý để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị, cũng như đảm bảo việc coi rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế; giảm tình trạng chôn lấp như hiện nay, đặc biệt là ở những đô thị lớn. 

Ông NGUYỄN HỮU TIẾN - TGĐ Công ty URENCO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam: “Các diễn giả trình bày nhiều giải pháp công nghệ hữu ích cho hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý rác thải cho các đô thị Việt Nam. Giúp cho chính quyền cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ nhiều lựa chọn. Thực ra các mô hình thu gom vận chuyển hợp lý cho từng địa phương. ”

Đó là tới đây. Còn hiện tại, nhiều doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu gom rác sinh hoạt, vẫn chưa xử lý được từng loại rác sau khi đã phân loại. Đây mới là nguyên nhân chính làm khó quy định mức xử phạt theo Nghị định 45. Chưa kể, Nghị định lại có hiệu lực trước cả Luật Bảo vệ môi trường, dễ gây lúng túng với người dân và cả những đơn vị thu gom rác thải.

Thực tế, vẫn chưa thể giám sát được hành vi để mà xử phạt việc. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016-2020, rác sinh hoạt ở các đô thị gần 40 nghìn tấn mỗi ngày, chiếm hơn nửa tổng khối lượng cả nước. Sau khi thu gom, 71% rác sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến compost và khoảng 13% được đốt. Các nước tiên tiến như Nhật Bản hay Phần Lan, từ lâu đã không chôn lấp, mà thay bằng công nghệ đốt rác phát điện.     

Biến rác thải sinh hoạt thành điện hay các hàng hóa thương mại tuần hoàn, luôn là mong mỏi của bất kỳ quốc gia nào, vì vừa sạch môi trường sống, lại    tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào. Nhưng để làm được điện rác, dự án xử lý chất thải với công nghệ hiện đại, cần hàng nghìn tỷ đồng. Đề nghị cho vay khoảng 50% giá trị dự án và thế chấp từ tài sản hình thành, lại khó được ngân hàng chấp thuận.  

Như đã phản ánh, ngày 25.7.2022, Việt Nam có nhà máy phát điện từ đốt rác đầu tiên tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Một sự khởi đầu có vẻ hy vọng cho sống Xanh. Nhưng để biến thành các nhà máy điện rác cả nước, lại không hề đơn giản, mặc dù hệ thống văn bản pháp quy từ Luật bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Quyết định hay Thông tư đã tương đối đầy đủ. Ở đây, chính là tư duy có dám làm và cho làm một cách minh bạch, hiệu quả thực chất hay không, mà thôi!   

HÔ HÀO KHÔNG THỂ BIẾN RÁC THÀNH NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Sáng 25.7.2022, nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam với 4.000 tấn/ngày tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), do Công ty Thiên Ý đầu tư đầu tư đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, vận hành giai đoạn 1 sau những lần lỗi hẹn vì các lý do khách quan và chủ quan. Khoảng 20 MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác, sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và khoảng 50 MW sẽ hoà vào điện lưới quốc gia. 

Theo nhà đầu tư, cơ chế chính sách cho đốt rác phát điện cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, các địa phương đang lúng túng khi kêu gọi và lựa chọn chào thầu nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Thứ 2, do năng lực thu gom chưa lớn chỉ 200-300 tấn/ngày nên đốt rác phát điện chưa hiệu quả, nhà đầu tư chưa mặn mà. 

Ông Vũ Văn Định - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý: “Hiện nay một số địa phương mạnh như TPHCM, Đà Nẵng đã rục rịch mời thầu nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ kêu gọi nhà đầu tư thì không biết như thế nào, chúng tôi không hiểu được, hoặc là vướng mắc gì trong cơ chế chính sách thì chúng tôi không thể nắm được? Chúng tôi vẫn đang chờ đợi và rất mong muốn khi nào chào thầu và phải rõ ràng, minh bạch để kêu gọi các nhà đầu tư thực lực chứ không phải kêu gọi nhà đầu tư không có năng lực, chỉ có quan hệ để người ta giữ dự án ấy không triển khai.”

Đầu tư một nhà máy đốt rác thải để phát điện đòi hỏi công nghệ cao, tất nhiên phải vốn đầu tư lớn hàng nghìn tỷ đông. Muốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phải có ưu đãi về quỹ đất sạch làm nơi xây dựng nhà máy, cơ chế giá mua điện hợp lý vì giá thành sẽ cao hơn thủy điện, nhiệt điện.

Ông TRẦN ĐÌNH MINH - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Sản xuất Nam Thanh, Ninh Thuận: “Về giá, có tỉnh thì cho 350.000 đ/tấn, có tỉnh 500.000đ - 600.000đ, có tỉnh 18-20 USD...thì cái đó liên quan đến công nghệ. Ví dụ đa phần hiện nay chúng ta là chôn lấp, rồi tái chế-tái sử dụng-tái sản suất-thu hồi nhiệt tiến đến phát điện giống như Nam Thành chúng tôi đang áp dụng.”

Ông JUHANI VIIALA - Giám đốc Kinh doanh năng lượng, Tập đoàn Valmet, Phần Lan: “Ở châu Âu, phí xử lý rác rất cao, có thể lên tới 50-100 Đô-la Mỹ trên 1 tấn rác. Trong khi ở Việt Nam, nguồn thu chính sẽ đến từ bán điện. Có ý kiến cho rằng việc đốt rác sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thông tin này không đúng. Ở châu Âu có các công nghệ xử lý khí thải rất tốt, có thể giảm phát thải gần như bằng 0. Các công nghệ này cũng nên được áp dụng ở Việt Nam, vì chúng tôi được biết Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng những quy định ngặt nghèo theo tiêu chuẩn châu Âu về khí thải. Và đây là các công nghệ mà chúng tôi muốn được giới thiệu ở Việt Nam.”

Đốt rác thải và biến thành điện năng, cần phải phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình hoặc nguồn phát thải, mới giúp ích quá trình thu gom, tái chế cũng như chỉ đốt những loại chất thải nào tại nhà máy. Quy mô thu gom và đốt rác phát điện phải từ 500 tấn mỗi ngày trở lên. Vì vậy, khổng phải địa phương nào cũng xây dựng được nhà máy điện rác. 

Ông NGUYỄN HỮU TIẾN - TGĐ Công ty URENCO, Phó CT Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam: “Để biến rác thành năng lượng bằng công nghệ đốt thì quy mô các dự án không nên nhỏ hơn 500 tấn/ngày. Do vậy, các địa phương có công suất nhỏ hơn 500 tấn/ngày thì nên lựa chọn các công nghệ phù hợp và hướng tới khi nào đạt công suất 500 tấn/ngày thì có thể đầu tư bằng công nghệ đốt rác phát điện hiện đại.”

Ông ADACHI ICHIRO - Cố vấn quản lý môi trường của JICA: “Việc áp dụng công nghệ NB vào VN không chỉ là vấn đề áp dụng công nghệ mà vấn đề về hệ thống pháp luật và quản trị cũng rất cần thiết. Mỗi người dân phải cố gắng để giảm thiểu khối lượng rác thải rắn. Đồng thời, hỗ trợ của chính phủ dành cho người dân cũng rất cần thiết. Việc thiết lập những thể chế như thế để xây dựng hệ thống quản lý rác thải, JICA có thể hỗ trợ những vấn đề này.”

Giải pháp công nghệ từ các nước tiên tiến đã được giới thiệu. Chỉ còn giải quyết cơ chế giá mua điện từ đốt rác, cũng như chính sách ưu đãi đầu tư, giao đất, vấn đề phí môi trường...cần được các Bộ ngành liên quan ban hành cụ thể hơn để nhà đầu tư tiếp cận.  

Để “dòng chảy” rác đô thị không bị nghẽn, thì phải thông suốt ở tất cả các khâu: Từ quy hoạch-công nghệ cho đến nhân lực-vật lực. Nếu chỉ bị tắc một khâu, là nghẽn toàn bộ dây chuyền này.

Tại khâu quy hoạch, điểm nghẽn đầu tiên là khó tìm được địa điểm thích hợp cho các bãi tập kết rác, cũng như địa điểm xây dựng nhà máy điện rác. Nhà quy hoạch, chủ đầu tư thường không tìm được tiếng nói chung với người dân địa phương. Còn người dân vốn có ấn tượng tiêu cực với các bãi rác, nên họ không muốn ở gần bất kỳ dự án xử lý rác nào, dù là theo công nghệ chôn lấp hay đốt cháy thu năng lượng. Một số doanh nghiệp có ý định đầu tư vào các dự án điện rác nhưng sau khi vấp phải sự “lạnh nhạt” của các địa phương nên đã rút lui.

Về mặt chính sách, cơ chế, các doanh nghiệp đánh giá thủ tục đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất phức tạp, trong đó có đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện...có khi kéo dài hàng năm, vì cần sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành và đương nhiên, chủ đầu tư cứ phải ngồi đợi. Cùng với đó, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch, nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực cũng bị kéo dài và ách tắc.

CÔNG NGHỆ MỚI XÓA BỎ CHÔN LẤP RÁC

GS.TSKH NGUYỄN VĂN LIÊN - Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam: “Chúng ta vẫn trên 70% là xử lý theo phương pháp chôn lấp, hình thức này có nhiều nhược điểm, đặc biệt lại tạo ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Chôn lấp chưa hợp vệ sinh, chưa đúng theo tiêu chuẩn quy định mà chỉ chôn lấp một cách tự nhiên nên có nhiều phức tạp, nhất là nước rỉ rác chưa xử lý được hết. Nên nó là bức xúc rất lớn. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là phải hạn chế dần tiến đến xóa bỏ chôn lấp để thay bằng công nghệ mới. Trong quá trình tìm tòi công nghệ thì các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, kể cả Hiệp hội Môi trường ở Việt Nam đang đi tìm tòi và phổ biến, áp dụng những công nghệ phù hợp. Nghiên cứu tìm tòi, nhận chuyển giao…Hội thảo này, triển lãm này nhằm giới thiệu các công nghệ đã được áp dụng thành công ở các nước, đặc biệt ở châu Á như Nhật Bản và một số nước châu Âu như: Phần Lan, Hà Lan và 1 số nước có công nghệ đã áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Giới thiệu các công nghệ ấy với doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu và tìm hướng hợp tác liên doanh, liên kết nhận chuyển giao công nghệ theo mục tiêu từng bước xóa bỏ chôn lấp.”

Đẩy nhanh tiến độ thu gom và đốt rác phát điện là bắt buộc, cho dù khó khăn đủ thứ. Bởi, hiện nay mới chỉ đạt 16% chôn lấp đạt chuẩn, do chi phí đầu tư thiết bị và chế phẩm quá lớn. 71% khối lượng rác thải sinh hoạt đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp thông thường. Nước rỉ rác tha hồ ngấm xuống đất đai và nguồn nước ngầm. Khi chôn lấp, dù chỉ một mảnh nilon nhỏ con, nhưng phải cần tới vài trăm năm may ra mới phân hủy hết. Mà quỹ đất thì có hạn và còn để dùng cho bao việc cần kíp khác nữa.      

Chúng ta hô hào nhiều về ý thức người dân, về thói quen dồn tất cả rác vô cơ-hữu cơ-kim loại-thức ăn thừa hay nhựa phế liệu...vào một túi dựng chung và đem ra xe gom. Kêu gọi, thậm chí xử phạt hành vi xả rác thải bừa bãi, hay là chôn lấp sơ sài-không đảm bảo...nhưng cũng không chuyển biến được bao nhiêu. Chỉ có luật hóa với mức xử phạt nghiêm minh, đánh nặng vào túi tiền nếu ý thức kém, cũng như cách làm ăn gian dối-bất chấp nguy hại môi trường cốt sao lợi nhuận. 

Đồng thời, phải tạo thuận lợi về giá-phí thu mua và sản xuất điện rác, quỹ đất sạch với quy hoạch sao cho xử lý được khối lượng rác dưới 500 tấn mỗi ngày ở nhiều địa phương, thì bái toán hóc búa điện rác mới thành hiện thực.

Ngọc Dũng