Góc nhìn hôm nay: Toàn cảnh luật hóa thực thi dân chủ ở cơ sở, để 'dân giám sát, dân thụ hưởng'

Sáng 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất về Dự án Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở, tiến tới xây dựng một bộ luật chuyên ngành, khi đòi hỏi thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở của người dân ngày càng bức thiết.

Nhiều điểm nóng khiếu kiện phức tạp, kéo dài, thậm chí kiện chính quyền cơ sở ra tòa hành chính cũng chỉ vì chưa thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết những thắc mắc, kiến nghị kịp thời ngay từ cơ sở.  

Pháp lệnh số 34 năm 2007 của Ủy banThường vụ Quốc hội khóa 11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện… được thực thi 14 năm qua, đã tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Tạo chuyển biến một bước về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân và tôn trọng dân. 

Tuy vậy, Pháp lệnh số 34 chưa quy định cụ thể trách nhiệm và các biện pháp xử lý khi có vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, cũng như trách nhiệm và nội dung phối hợp của cơ quan nhà nước ở địa phương, với cơ quan nhà nước cấp trên.

Việc quy định tham gia của nhân dân vào hoạt động của các cấp chính quyền, hay đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính, là chưa nhiều. Từ đó, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã, như ví dụ sau đây.

THIẾU MINH BẠCH, CÔNG KHAI DẪN ĐẾN KHIẾU KIỆN

Những câu chuyện về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng luôn là những câu chuyện nóng, đặc biệt khi thiếu tính công khai, minh bạch. Huyện Hoài Đức, Hà Nội có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp đang canh tác bình thường để làm các công trình công cộng hay bán đấu giá cho tư nhân, do thiếu tính công khai, dân chủ nên những năm qua, người dân xóm 1- xã Sơn Đồng vẫn phải đơn từ đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi chính đáng của mình. 

Người dân xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Năm 2017, UBND huyện Hoài Đức về lấy đất của xã Sơn Đồng. Có 1 buổi UBND huyện mời chúng tôi ra hội trường UBND xã Sơn Đồng hôm 5/4/2017, có nói chủ trương là huyện lấy đất của xã Sơn Đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng cũng không nói để bán cái gì, để làm gì. Các vị làm gì thì cũng phải công khai minh bạch, chúng tôi yêu cầu các vị phải có quy hoạch sử dụng đất, mà quy hoạch được lập là phải lập, trước khi lập phải bàn với dân là những người có đất trực tiếp để xem dân có thoả thuận, hợp lý hay không. Xong rồi thì các vị mới lập quy hoạch. Bây giờ quy hoạch thì không có mà chỉ có kế hoạch sử dụng đất của UBND TP Hà Nội đưa về là lấy đất của xã Sơn Đồng”.

Người dân xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Chúng tôi có được họp dân nhưng ngay trong ngày họp chúng tôi đã không đồng ý tất cả, quy hoạch cũng không trả lời được cho chúng tôi. Gọi chúng tôi ra để kiểm đếm, ông chủ tịch xã đứng ở giữa khu đất đọc bản gì đó mà chúng tôi không được nghe vì chúng tôi chỉ được đứng ở ngoài, đến khi hỏi thì bảo kiểm đếm rồi. Chúng tôi bức xúc quá”.

Vụ việc tại xã Sơn Đồng chỉ là 1 trong rất nhiều câu chuyện đang xảy tại huyện Hoài Đức nói riêng và tại nhiều địa phương khác nói chung. Điều này đang cho thấy, việc vận động, giải thích, tuyên truyền của chính quyền đang chưa thực sự đạt được hiệu quả, chưa đúng bản chất của sự việc và người dân chưa thấy được quyền của mình như Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở quy định. Từ đó, dẫn đến nhiều điểm nóng về khiếu nại tố cáo.

Người dân tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Chúng tôi chỉ mong muốn, làm gì cũng phải minh bạch, công khai, dân chủ, chứ đừng nói một đằng làm một nẻo. Thông báo quy hoạch mà không có dấu của cấp có thẩm quyền, bản vẽ quy hoạch đường thế này sau lại thế khác. Nếu làm đúng, cái gì dân cũng nghe hết”. 

Ông NGUYỄN NHƯ KHƯƠNG - Chủ tịch HĐND xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Thật ra có lúc này lúc khác, cũng có những khó khăn và không tránh khỏi những công dân mà người ta cũng không tích cực tự tìm hiểu. Có khi dân người ta biết mà cũng bảo người ta không biết, đã trao đổi rồi nhưng người ta vẫn bảo người ta chưa được trao đổi thì thế này cũng không thể trách hay tránh khỏi được nhưng đây cũng chỉ là một bộ phận nhỏ thôi chứ không phải thành một bộ phận lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, chỉ đạo và sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ”. 

Pháp lệnh Thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở 2007 bước đầu đã tạo dựng cơ sở pháp lý, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, người dân đã có sự tham gia, góp ý và giám sát với hoạt động của chính quyền cơ sở. Nhưng, để hiệu quả cao hơn, cần thiết phải nâng Pháp lệnh này thành luật. Trong đó, phải quy định rõ chủ thể, vai trò, trách nhiệm của người dân với chính quyền cơ sở, theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng". 

Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trong luật phải quy định rõ vai trò chủ thể trong đó có các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của mình là công khai đến đâu, giải quyết đến đâu, những vấn đề quy định rõ thì chúng ta mới thực hiện được, giải quyết tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi có những ý kiến, mình có trách nhiệm thông tin giải thích cho rõ ràng thì sẽ tạo được sự đồng thuận”. 

Quy định dân chủ trực tiếp theo Pháp lệnh 34, đó là người dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, cấp thôn và theo quy định của pháp luật. Nếu quy định chung như vậy, người dân sẽ rất khó thực hiện thực hiện quyền và nghĩa vụ chính đáng này.

Câu chuyện ở Hoài Đức chỉ là một ví dụ của vô vàn sự việc tương tự, khi chưa thực hiện đúng và đủ tính dân chủ ở cơ sở. Nó cũng bắt nguồn từ hạn chế của Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, đang có hiệu lực thi hành. Đó là người dân chưa được tham gia vào hoạt động của chính quyền cơ sở, cũng như được thực hiện quyền giám sát với chính quyền xã, phường.

Theo Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tổ trưởng dân phố - trưởng thôn - MTTQ - lãnh đạo xã... phải đi vận động, họp bàn với dân để giải thích, tuyên truyền cụ thể mục đích thu hồi đất nông nghiệp, các trình tự thủ tục liên quan khi đền bù, giải phóng mặt bằng...nhưng thực tế ở nhiều nơi đã không tổ chức hoạt động này. Từ đó, dẫn đến điểm nóng về khiếu nại tố cáo. Nghĩa là quy định và chế tài ở Pháp lệnh 34 chưa cụ thể, chưa đủ mạnh với thực tế hiện nay. 

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là để giải quyết những tồn tại này với quy định, chế tài cụ thể. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện để thể chế hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Làm rõ các hình thức, nội dung về kiểm tra, giám sát, hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở trong dự thảo luật.  

Đồng thời, bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".

QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỜI GIAN TIẾP VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ

Tại thảo luận sáng 23.3, Điều 10 và Điều 11 về những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai và các hình thức công khai thông tin, các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một số thông tin cần công khai, như quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý. Những công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn... Nghĩa là, không chỉ đưa thông tin ra mà phải quy định để người dân được bàn bạc và được quyết định trực tiếp như mô hình Ban Giám sát cộng đồng của Pháp lệnh 34. 

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách: Khi những công trình giao thông của cấp huyện đầu tư trên địa bàn xã có Ban giám sát cộng đồng thì các nhà thầu làm tốt, nhất là về chất lượng. Ở trong đây, chương đầu có nói đến thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng nhưng trong kết cấu chương nói về dân chủ xã phường thị trấn lại không có nhiệm vụ của ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Dự thảo luật quy định hình thức sáng kiến nhân dân chỉ áp dụng đối với các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố, mà không phải là toàn bộ những nội dung do nhân dân bàn và quyết định, được góp ý là chưa thật sự hợp lý và đầy đủ. Việc yêu cầu thu thập được ý kiến của 10% cử tri tại thôn, tổ dân phố đồng thuận, là khó khả thi. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các nội dung này cho phù hợp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: Đánh giá tác động sâu sắc hơn 5 chính sách đặc biệt là những hạn chế, yếu kém bất cập. Tình hình mất dân chủ cơ sở nên dẫn đến các địa bàn khiếu nại tố cáo, dân mất niềm tin, ngoài những nguyên nhân chủ quan - khách quan về thể chế, tổ chức thực hiện về cơ chế bảo đảm dân chủ, chế tài để xử lý việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bưng bít che giấu thông tin về động cơ, lợi ích cá nhân, nhóm lợi ích.

Cũng liên quan đến chính quyền địa phương phải công khai trình tự thủ tục hành chính, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lấy ví dụ từ bản thân khi còn công tác ở Trung ương Đoàn với cương vị Bí thư, có việc xác nhận giấy tờ ở ủy ban phường sở tại mà phải đi đúng 3 lần mới xong. 

Bởi vì trình tự thủ tục không công khai, mình đi vào tầm 10h30, gần 11h ông đã không có ở đấy rồi. Bảo hết giờ làm việc. Tức là trình tự không công khai thì cứ thế thôi. Theo tôi, trình tự thủ tục phải nói rõ ở trong này.

Về bố cục của dự thảo luật, để thể hiện rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần thiết kế đầy đủ hơn quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại mỗi loại địa bàn, loại hình cơ quan, tổ chức thành các chương riêng. Vì hiện mới có chương về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn và chương về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị mà chưa có chương về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù nhận được sự chia sẻ lớn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khoảng thời gian chuẩn bị dự thảo luật này chỉ khoảng 2 tháng, được đánh giá là khá công phu, dày dặn...nhưng Bộ Nội vụ vẫn cho rằng, chưa thực sự hài lòng, nên sẽ tiếp thu tối đa để bổ sung và hoàn thiện; đồng thời đề xuất giữ nguyên quan điểm với một số nội dung trong dự thảo.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Thuộc về kết cấu thì chúng tôi đề nghị cho phép chúng tôi được thực hiện theo kết cấu này, tiếp tục bổ sung cho hoàn thiện. Bởi kết cấu này sẽ rành mạch, rõ ràng nhưng vẫn bao trùm được các vấn đề chúng ta cần thiết phải làm. Đó là phương châm “Dân biết-dân bàn-dân làm-dân kiểm tra-dân giám sát và dân thụ hưởng”. Chứ nếucắt từng vấn đề, đi theo phương châm này thì kết cấu ấy bị phá vỡ và sẽ không được chặt chẽ. Chúng tôi mong được giữ kết cấu này và tiến tới hoàn thiện các nội dung này sẽ hợp lý hơn.

Cần quy định cụ thể thời gian gặp gỡ và trao đổi của người lãnh đạo, quản lý với công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị. Vì nếu quy định "bố trí thời gian thích hợp", sẽ chung chung và chưa rõ. Để đảm bảo thực hiện tính dân chủ ở đơn vị, người đứng đầu phải bố trí trong 1 khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn sau 3 ngày hoặc 5 ngày thay vì vô định như trong dự thảo.

Lần đầu tiên, chúng ta xây dựng một đạo luật về thực hiện dân chủ cơ sở, cho thấy sự đòi hỏi cấp thiết của đời sống xã hội. Dự thảo luật đã đưa thêm điều khoản quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ, trách nhiệm của người sử dụng lao động thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Những cơ chế Dân biết, Dân làm, Dân bàn, Dân kiểm tra, Dân giám sát và nhất là Dân thụ hưởng, từng được quy định ở nhiều luật, Pháp lệnh khác, nhưng lần này được nâng lên thành Luật Dân chủ ở cơ sở, với tính pháp lý đồng bộ và hiệu lực cao hơn. 

Điều đặc biệt là đã đưa chế định Thanh tra nhân dân vào dự thảo luật. Đây là một điểm rất mới, vì từ trước đến nay, chế định này vẫn được để trong Luật Thanh tra thì không phù hợp. Bởi, thanh tra là hoạt động của Thanh tra Nhà nước mang tính chất quyền lực và chuyên ngành, còn đây chỉ giám sát của nhân dân.

QUY ĐỊNH THÁI ĐỘ THỰC HIỆN DÂN CHỦ CƠ SỞ

Ông ĐINH VĂN MINH - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Tình trạng hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận từ rất nhiều phía, một là quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập nên xảy ra nhiều chuyện người dân không hài lòng. Thứ hai, bản thân việc thực hiện quyền của người dân đôi khi cũng chưa tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục hay vượt cấp. Thứ ba, sự giải quyết của chúng ta  nhiều khi chưa thỏa mãn được người dân, chưa bảo đảm sự cân bằng, có rất nhiều yếu tố như vậy. Tinh thần, thái độ, trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong việc giải quyết các việc của dân cũng có vấn đề.

Với Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý: Vừa qua có những biểu hiện xem nhẹ, chưa quan tâm đến nguyện vọng nhân dân. Còn có tình trạng dân chủ hình thức, chưa lắng nghe nguyện vọng dân, sách nhiễu, gây phiền hà, hoặc là lợi dụng dân chủ để gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc... Do đó, cần phải đánh giá từ thực tế này để đưa vào dự thảo luật.  

Một trong những hình thức giám sát của người dân, chính là giám sát về việc giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh kiến nghị. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần giám sát các kiến nghị, tố cáo, phản ánh của người dân xem có được giải quyết theo đúng trình tự thủ tục không, có được giải quyết theo đúng thời hạn không và giải quyết như thế nào nếu gây thiệt hại cho người dân. 

Người dân có quyền nói, có quyền kiến nghị, có quyền phản ánh, có quyền nêu sáng kiến và trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải lắng nghe, tôn trọng, xử lý các thông tin đó, để làm sao thực hiện lợi ích cũng như nguyện vọng của người dân, tại cơ sở. 

Đến đây, chúng tôi xin kết thúc “Góc nhìn hôm nay”. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi!

Xin tạm biệt và hẹn gặp lại!

Ngọc Dũng