• 2963 lượt xem
  • 06:05 09/04/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Tự chủ đại học – Vấn đề nảy sinh từ thực tiễn

Các quy định về tự chủ đại học trong Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) tạo ra một luồng sinh khí mới cho nền giáo dục Đại học Việt Nam. Nếu như những quy định về tự chủ đại học ở Điều lệ trường đại học chỉ mang tính chất khung, ở mức sơ khai như những nét vẽ ban đầu thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã trở thành một bức tranh đầy màu sắc và toàn diện về tự chủ đại học.

 Cơ chế tự chủ cho các cơ sở Giáo dục Đại học được thiết lập, khá nhiều vấn đề gây ra những điểm nghẽn về tự chủ đại học đã được tháo gỡ. Sự hào hứng, phấn khởi đón nhận của các cơ sở giáo dục đại học cả công lập lẫn tư thục cho chúng ta niềm tin và kỳ vọng vào sự khởi sắc của giáo dục đại học trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật trong thực tế vừa qua cho thấy tự chủ đại học đòi hỏi các điều kiện đảm bảo vận hành phải đáp ứng thì mới phát huy được hiệu quả.

Từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật 34, các trường bước đầu đạt một số kết quả đáng khích lệ, giảm thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong mọi hoạt động, từ đào tạo và nghiên cứu khoa học đến tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính,…Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở  giáo dục đại học trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở  giáo dục đại học. Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam hiện có khoảng 240 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường cao đẳng sư phạm. Thời gian qua, mô hình quản trị đại học đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi hoạt động. 

Mời quý khán giả theo dõi chi tiết nội dung trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và trang chủ Quochoitv.vn!