• 1013 lượt xem
  • 06:10 26/08/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Tự chủ tài chính - bài toán khó của tự chủ đại học

Tự chủ đại học được ví là “hơi thở”, là “cuộc sống” của các cơ sở đào tạo đại học vì nó đảm bảo được xu hướng tự do trong huy động các nguồn lực về nhân sự và tài chính tốt nhất nhằm phát triển học thuật hiệu quả. Trong các nội dung của tự chủ đại học, tự chủ tài chính được xem là tiền đề quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, trở thành bài toán khó của tự chủ đại học.

Tự chủ đại học là một chủ trương đã phát huy nhiều hiệu quả và đang trên lộ trình nhân rộng tới các trường. Tự chủ đại học không phải tự do, tự lo là một khẳng định về mặt chủ trương, thế nhưng thực tế các trường tự chủ đại học đang phải tự chủ tài chính 1 cách cơ học, tức cắt chi thường xuyên. Để giải quyết bài toán này, giải pháp được nhiều trường áp dụng là tăng học phí. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 30 cơ sở giáo dục đại học trong đó có nhiều trường công lập thông báo tăng học phí năm học 2022-2023. Điều này có thể đặt gánh nặng lớn lên vai người học.

Vào thời điểm nhận kết quả thi THPT, Bách cũng như nhiều bạn sinh viên khác phải cân nhắc các nguyện vọng xét tuyển đại học. Tuy nhiên, lựa chọn của em không chỉ đưa ra bởi sự phù hợp của ngành học, mà còn phải tính toán dựa trên yếu tố học phí.

Em ĐINH VIỆT BÁCH, Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Lúc đầu em cũng băn khoăn và muốn vào ngoại thương hoặc là kinh tế quốc dân, nhưng vì học phí quá cao nên là cuối cùng em quyết định lựa chọn 1 trường học phí rẻ hơn. Nhà em cũng không phải khá giả lắm nên mỗi lần nói với mẹ đóng tiền học em cũng rất lo ngại không biết mẹ em có đủ tiền nộp học phí không.”

Học phí đang trở thành một yếu tố cản trở lựa chọn ngành học, trường học và có thể ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Tuy nhiên, việc tăng học phí mới chỉ là một phần mặt trái khi các trường phải tự chủ về mặt tài chính một cách cơ học.

GS.TS TRẦN ĐỨC VIÊN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Các trường tăng quy mô tuyển sinh, dù bằng cách này hay cách khác lách luật để tuyển được càng nhiều học viên càng tốt. Bên cạnh đó còn hạn chế mời giảng viên chất lượng cao, bởi giảng viên giỏi thì họ sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn…”

Tự chủ không phải là tự do, tự lo. Thế nhưng trên thực tế, các trường đại học đã tự chủ lại gần như bị cắt các nguồn ngân sách, đồng thời mức độ tự chủ được đánh giá dựa trên mức độ tự lo về mặt tài chính của các trường. Đối với các trường đại học vùng, việc tăng thu bù chi không hề đơn giản vì khả năng chi trả của đối tượng người học không cao.

GS.TS PHẠM HỒNG QUANG, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên: “Khu vực miền núi phía Bắc phần lớn các em nghèo, nên việc tăng học phí nhiều là không khả thi. Chúng tôi khát vọng mong muốn làm sao có chiến lược phát triển đầu tư riêng cho khu vực này…”

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu và đúng đắn. Thế nhưng lộ trình tự chủ hiện nay cùng các vấn đề tài chính chưa thỏa đáng đang đẩy cả các cơ sở giáo dục đại học lẫn người học vào thế khó. Một nền giáo dục đại học xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học sẽ như thế nào và đi về đâu?

Được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học, đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Tuy vậy, câu chuyện học phí vẫn đang khiến không ít nhiều người trăn trở. Rõ ràng việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. Vì thế dù mục đích tự chủ ĐH là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập. 

Thời gian qua, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Khảo sát vừa qua của Đại học Quốc gia TP HCM về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên cho thấy: Trên 52% các em đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. 71,7% sinh viên của trường Đại học Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí, con số này của trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%. Vấn đề tự chủ tài chính vì thế là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, và cũng đang là vấn đề nan giải hàng đầu của các trường đại học công lập trên lộ trình tự chủ. Làm thế nào để gánh nặng tài chính không đè lên vai người học, làm thế nào để tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội? Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được các trường đại học chia sẻ đề xuất.

Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học, quy trình công nghệ đã được Đại học Thái Nguyên chuyển giao cho doanh nghiệp và các địa phương. Nguồn thu ổn định từ công tác khoa học đang phần nào san sẻ gánh lo học phí cho sinh viên. Là đại học vùng, sinh viên theo học tại đây đa phần là con em các địa phương khó khăn. Vì thế tăng thu từ học phí không được coi là giải pháp hàng đầu của đại học Thái Nguyên. 

GS.TS PHẠM HỒNG QUANG, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên: “Chưa có thống kê cả năm nhưng từ khoa học cũng là nguôn thu đáng kể, cùng với nguồn thu từ các dịch vụ khác, chúng tôi chắt chiu chi tiêu để nâng cao chất lượng đào tạo.”

Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ sớm nhất, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện bài toán cân bằng tài chính trong phát triển. Tăng học phí một cách rất nhanh chóng không phải là lựa chọn của đơn vị này. 

PGS.TS HUỲNH QUYẾT THẮNG, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Tự chủ ĐH là từ nội lực các trường….Các chương trình đào tạo cơ bản thì phải NN đầu tư vì nó vượt quá tầm của trường…..”

Cùng với giải pháp đa dạng hóa nguồn thu, các chuyên gia cũng đề xuất Nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên. Hiện Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đồng ý nâng mức tín dụng cho sinh viên song phạm vi đối tượng chưa được mở rộng đáng kể.

PGS.TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐHQG Tp Hồ Chí Minh: Chúng tôi cho rằng, một chính sách rất quan trọng là cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên đi học không cần phải lo lắng về việc mình có điều kiện học không. Đó chính là công bằng xã hội.”

Nhấn mạnh, việc bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Tăng học phí nhưng cần có cơ chế về học bổng.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: "Mở rộng đại học để cho bà con nông thôn con em được đi học, thế mà tự chủ, tăng học phí lên mà không có cơ chế về quỹ học bổng, hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các trường thì mất công bằng."

Để học phí không là gánh nặng đè lên vai người học hiện các cơ sở giáo dục đại đại học trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án. Đã đến lúc: xã hội cần hiểu đúng về tự chủ đại học, khôngxem tự chủ nghĩa là trường ĐH tự lo về tài chính để hệ quả là các trường chỉ còn cách tăng thu học phí.

Ngoài mối lo tăng học phí làm giảm công bằng xã hội thì các chuyên gia cũng cho rằng: Học phí tăng khiến thí sinh thay đổi xu hướng chọn ngành vào trường đại học. Cụ thể, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot" bởi vì cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.

Truyền hình Quốc hội đã có trao đổi với ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi chương trình!

Phan Hằng