• 1464 lượt xem
  • 13:52 12/04/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Tư vấn tâm lý học đường - Khi nào là "đủ''?

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến học sinh, sinh viên tự tử hay tự hành hạ vào thể xác. Bên cạnh đó, còn có hơn 60% trẻ em gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nói đang bị áp lực học hành, 8% nói bị bạo lực gia đình.

TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG THIẾU VÀ YẾU

Đây là phòng tư vấn tâm lý của một trường học ở ngoại thành Hà Nội. Đơn sơ và kiêm nhiệm, nơi này chỉ đáp ứng được duy nhất yêu cầu là có 1 căn phòng, chứ khó mà đáp ứng bất kì nhu cầu tư vấn nào khác.

Cô giáo NGUYỄN THỊ MƠ - Tổ trưởng Tổ 1, Trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội: “Huyện đã tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh, nhưng mà từ đó đến giờ dịch nên cũng không có nhiều cơ hội cho các em đến trường thành ra phòng tư vấn đó cũng chưa phát huy hiệu quả.”

Đáng tiếc, đây không phải ngôi trường duy nhất thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Dù có thông tư hướng dẫn về nội dung này, nhưng chính trong thông tư cũng đề cập đến việc giáo viên có thể kiêm nhiệm vai trò người tư vấn – điều này tạo quan hệ song chiều và vi phạm nguyên tắc trong tư vấn tâm lý. Khi mà tâm lý học đường còn đang được nhìn nhận một cách chưa thấu đáo từ trên xuống dưới, thì rất khó có sự thay đổi đáng kể.

GS.TS. PHẠM MẠNH HÀ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục: Trong một thời gian dài chúng ta cho rằng là chỉ những học sinh bị rối nhiễu tâm lý mới cần chăm sóc, tư vấn. Tuy nhiên bây giờ với cả những em học sinh bình thường với tâm lý bình thường chúng ta cũng không thể bỏ qua vì chỉ cần 1 tác động ngoại cảnh, 1 rủi ro là có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn rồi.”

Trong tình cảnh chưa được quan tâm về mặt tâm lý ở nhà trường, thì các ẩn ức tâm lý của các em lại càng khó giãi bày với người nhà.

Tiến sĩ ĐẶNG HOÀNG GIANG - Tác giả sách “Đại dương đen - Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm”: “Hiện nay các cha mẹ, giáo viên có thể lăn xả ra đọc và thực hành về việc nuôi dạy con theo kiểu Nhật Bản hay Do Thái gì đấy, cho con ăn dặm như thế nào, rất là căng thẳng chuyện con phải đeo cặp nặng, giờ học thế nào tiêm chủng ra sao, nhưng đời sống sức khỏe tinh thần của con mình: đâu là dấu hiệu stress, đâu là dấu hiệu trầm cảm hay rối loạn lo âu thì họ mù tịt và cũng không cho rằng mình cần phải biết.”

Chưa coi những nỗi đau về tinh thần là có thật đang khiến nhiều học sinh rơi vào các bức bối tâm lý không thể giải tỏa. Những sự việc đau lòng đang gióng lên hồi chuông báo động, và đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc lắng nghe.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc điều trị khi đã xảy ra các vụ việc liên quan đến sức khỏe tâm thần trẻ em, mà chưa quan tâm đến việc phòng ngừa. Trong khi đó, tất cả các vấn đề về tâm lý ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng của học sinh. Phòng ngừa ở đây chính là đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường. Do không được đào tạo một cách căn bản, nên không khéo dễ dẫn đến hậu quả “gà lành thành gà què”. Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học sinh vẫn có tư tưởng dùng quyền lực chuyên môn để tư vấn tâm lý, khiến các em cảm thấy ức chế và hành động tiêu cực…

Sau đây là những phân tích, nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em trên toàn cầu đang bị rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu và tự tử đứng thứ 4 các nguyên nhân trẻ em tử vong. Thế giới có đội ngũ tâm lý học đường chuyên nghiệp. Giáo dục của ta mới chỉ chạy theo điểm số, bằng cấp chứ chưa thực sự quan tâm đến phát triển con người. Đã đến lúc phải chấp nhận vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em, là có thật và nó đang tác động mạnh đến nhiều gia đình, nhiều trường học. Đây cũng là nhận định được các chuyên gia thống nhất tại tọa đàm về giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa mới tổ chức"

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN HỌC SINH

Trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều căng thẳng xã hội trong 2 năm qua, trẻ em cũng không tránh khỏi bị tác động. Theo thống kê từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khoảng 48% trẻ em được khảo sát cho rằng mình bị áp lực do giãn cách xã hội, trong số này nhiều em cho biết đã bị bạo lực tinh thần, khoảng 32% nói không được gia đình quan tâm…

Bà NGUYỄN THỊ THU ANH - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội: "Khi tôi làm việc với phụ huynh của trường tôi con chị ấy bị trầm cảm, bác sỹ nói rằng phải nhập viện nghỉ học 10 ngày nhưng bố bạn ấy lại bảo bạn ấy giả vờ đấy, nó vẫn xem tivi cả ngày đến lúc học là nó mệt.”

Ông NGUYỄN TRỌNG KHOA - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế: Cái người tiếp cận sớm nhất là cái người có thể can thiệp sớm nhất. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến 2 chủ thể là giáo viên và cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Chúng tôi cho rằng đây là những người cần quan tâm, còn để về đến cán bộ y tế thì cũng khá muộn rồi.”

Tuy nhiên, 2 chủ thể này cần trang bị chuyên môn để có thể hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ tốt hơn. Sự áp đặt hay thiếu lắng nghe từ cha mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến những ẩn ức kéo dài ở con cái. Về phía nhà trường, thầy cô cần có khả năng tư vấn tâm lý cho học sinh, nhưng chỉ riêng thầy cô thì chưa đủ.

GS.TS NGUYỄN QUÝ THANH - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Như sự kiện ở trường chuyên ở TP. Hồ Chí Minh vừa rồi ý, khi xảy ra những cái khiếu kiện về quấy rối tình dục thì chính các cô chuyên môn khuyên là thôi đi, dùng quyền lực chuyên môn của mình để khuyên các em. Lúc đó các em có thể nể các cô nhưng nó tạo thành ức chế. Mà cứ theo lý thuyết Freud ức chế tích tụ sẽ bùng nổ.”

TS.NGUYỄN TÙNG LÂM - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: “Bộ giáo dục có thông tư 31 có quy định có tổ tư vấn tâm lý nhưng lại không có vị trí việc làm. Tại sao vấn đề quân sự vấn đề an ninh chúng ta có người làm có biên chế mà vấn đề tâm lý học đường chúng ta biết mà không giải quyết? Tôi đề nghị với Quốc hội phải mạnh dạn, vấn đề đã đặt ra như thế thì Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ phải ngồi lại với nhau với Bộ Giáo dục, chứ không để anh nọ đổ cho anh kia.”

Từ phía đơn vị quản lý, Bộ Giáo dục cho biết, nguồn lực và ngân sách hiện nay chưa đủ để có riêng vị trí tư vấn tâm lý. Trong thời điểm còn nhiều khó khăn, sự chung sức từ mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội là rất cần thiết. Tiền đề của mọi giải pháp sự nhận thức đúng đắn về sức khỏe tâm thần ở trẻ em.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ hoàn thiện pháp lý, sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình để có thể giải quyết những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần trẻ em. Ngay sau tọa đàm này, Ủy ban sẽ phân tích các ý kiến, các tham luận để kết luận cái gì mang tính cấp bách cần có tác động ngay, thì sẽ chuyển đề nghị đến các cơ quan chức năng. Những vấn đề cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, sẽ tiếp tục được đặt ra ở những diễn đàn tham vấn ý kiến chuyên gia trong thời gian tới. 

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thay vì né tránh, phải đối diện với vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, để có những giải pháp dựa trên sự tổng hòa các yếu tố liên quan. Phòng ngừa phải là đầu tiên, thay vì để đến giai đoạn muộn là điều trị. Nếu cứ chạy theo giải quyết từng sự vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh, sẽ không bao giờ giải quyết được cái gốc của vấn đề. Nghĩa là, phải tạo “kháng thể” cho học sinh, khi đối mặt với các vấn đề trong học tập, cuộc sống. Cần thiết phải sửa luật liên quan theo hướng đưa chi tiết hơn nội dung phòng chống bạo lực gia đình, nhằm có công cụ hữu hiệu nhất bảo vệ trẻ em trước những tác động của sự phát triển của xã hội.”