• 3680 lượt xem
  • 06:23 30/04/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Xử lý dứt điểm vấn đề vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 2 Ban Chỉ đạo.

CAO TỐC BẮC- NAM VẪN CHỜ 4,1 TRIỆU MÉT KHỐI ĐẤT ĐẮP

4,1 triệu m3 đất chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác, đồng nghĩa với việc nhiều dự án của cao tốc Bắc – Nam vẫn đang phải thi công trong trạng thái cầm chừng để chờ nguồn đất đắp nền. Trong số này, còn 1,34 triệu m3 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được cấp phép nhưng chưa được khai thác do chưa xong thủ tục.

 Yêu cầu của Chính phủ là phải hoàn thành 361km đường cao tốc trong năm nay, trong đó, cả 4 dự án thành phần cao tốc phải hoàn thành đều đang nằm trong tình trạng thiếu đất đắp nền nghiêm trọng. Cụ thể: Đoạn Mai Sơn - QL45 (địa bàn Ninh Bình): thiếu 0,4 triệu m3: Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa): thiếu khoảng 0,8 triệu m3. 

Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục cấp phép cho 2 mỏ đất, dự kiến có thể khai thác đất trong tháng 4/2022; Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn Ninh Thuận): thiếu khoảng 2,0 triệu m3; Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (địa bàn Bình Thuận): thiếu khoảng 0,9 triệu m3.

Tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3, khối lượng vật liệu đất được tận dụng (điều phối) từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3, tổng khối lượng vật liệu đất đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất (khối lượng sau điều phối) khoảng 53,5 triệu m3. 

 Qua những số liệu mà chúng ta vừa theo dõi, có thể thấy Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn chờ 4,1 triệu m3 đắp đất. Nếu không có đất đắp nền đường, công trình sẽ không thể triển khai các mũi thi công tiếp theo. Đất đắp nền đường còn có ý nghĩa cực kì quan trọng trong điều kiện, các dự án đều đang phải chạy đua với thời tiết khi mùa mưa sắp đến gần.

 Tình trạng thiếu nguyên vật liệu không phải mới xuất hiện. Từ giữa tháng 2/2022, Chính phủ đã chỉ đạo là phải cơ bản xử lý dứt điểm cho xong đất đắp nền đường trong tháng 3. Thế nhưng, đến nay đã là thời điểm cuối tháng 4, hàng triệu khối đất đắp nền vẫn chưa được giải quyết thủ tục. Các dự án đang triển khai vì thế cũng đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.

THIẾU ĐẤT ĐẮP NỀN - CÂU CHUYỆN KHỔ LẮM NÓI MÃI

 Dự án Mai Sơn- Quốc Lộ 45 là một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ phải hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, dự án này đang thiếu 400 triệu mét khối đất tại các dự án đi qua tỉnh Ninh Bình. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện việc thiếu nguồn nguyên vật liệu, nhưng việc giải bài toán này không phải hề dễ dàng.

Ông DƯƠNG VIẾT ROÃN, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long: “Dự án này chúng tôi đang chờ đất đắp, mặc dù khối lượng không nhiều (0,4 triệu khối), đang làm việc với Hà Nam và Ninh Bình đề bổ sung".

Tỉnh Thanh Hoá có 3 gói thầu đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 98km. Theo tính toán, đối với 3 dự án này, nhu cầu sử dụng đất đắp là khoảng 12 triệu khối. Trên địa bàn tỉnh, hiện 27 mỏ đang được cấp phép chỉ có thể đáp ứng được 3 triệu khối. Áp dụng Nghị quyết 60 và 133 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời đưa vào 5 mỏ và nâng công suất khai thác cho các nhà thầu thực hiện dự án. Mặc dù nguồn cung không thiếu, nhưng giá cả đất đắp đến chân công trường lại tăng mạnh.

Ông PHẠM VĂN HOÀNH - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá: “Qua nắm bắt tại mỏ, các giá cả đất đắp tăng không đáng kể vì các chi phí đã cố định, tuy nhiên, giá tại chân công trình lại tăng do nhiều lí do".

Theo Bộ Xây dựng, tình trạng thiếu đất đắp nên vẫn chưa khắc phục tại nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp mỏ, mở rộng khai thác vật liệu đắp nền. Thậm chí, nhiều địa phương còn có dấu hiệu đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Ông LÊ QUANG HÙNG - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “ Các giá cả vật liệu trong nước, ngoài trường hợp loại trừ do đầu cơ và có thổi giá, chúng tôi sẽ đề nghị các địa phương công bố, cập nhật giá hàng tháng kịp thời”.

Hiện phần lớn các dự án đang đều đang trong giai đoạn đắp móng nền đường. Chính vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các địa phương rút ngắn thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu đất đắp nền để đảm bảo các dự án đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ.

Ông LÊ ĐÌNH THỌ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Với những biến động về giá cả, hiện nay yêu cầu tập hợp lại, những gì vượt thẩm quyền của mình thì phải báo cáo để tháo gỡ".

Trước tình trạng thiếu vật liệu đắp nền, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông , Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị các địa phương báo cáo rõ vướng mắc ở đâu, biện pháp thế nào để làm sao xử lý dứt điểm vấn đề này:

 Phó Thủ tướng LÊ VĂN THÀNH: “Đề nghị lãnh đạo các địa phương rà soát xem có thật hay không, đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án để làm rõ vấn đề này.”

 Thực hiện Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 năm 2021 của Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện nâng công suất khai thác và cấp phép mỏ bổ sung để có nguồn cung về vật liệu cho các dự án công trình đường bộ, tuy nhiên, bài toán về đất đắp vẫn chưa giải quyết được triệt để. Trong khi đó, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc từ nguồn đất đắp nền đường là điều kiện tiên quyết cho việc hoàn thành 361km đường cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 1 trong năm 2022 và tiến tới triển khai thực hiện 729km giai đoạn 2. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này? 

 Việc tổ chức triển khai thành công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Những vấn đề lớn về cơ chế, chính sách và nguồn vốn đã được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua, cho phép áp dụng đặc thù. 

Từ bài học thực tiễn vô cùng đắt giá của giai đoạn 2017-2020 đã chỉ ra công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nút thắt về tiến độ, vật liệu đất đắp nền đường là yếu tố then chốt để hoàn thành dự án, kế đến là năng lực, trình độ của Ban quản lý dự án và nhà thầu. 

Vì vậy, trong giai đoạn này,  khi đã xác định nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do việc giải quyết nguồn vật liệu đắp nền đường chưa đáp ứng yêu cầu, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư thì đòi hỏi phải có ngay các giải pháp tháo gỡ cả trước mắt và lâu dài, từ đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương với chủ đầu tư, nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ vật liệu… tất cả đều nỗ lực để đạt được mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc từ nguồn đất đắp nền đường là điều kiện tiên quyết cho việc hoàn thành 361km đường cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 1 trong năm 2022 này và tiến tới triển khai thực hiện 729km giai đoạn 2.

Để tìm hiểu rõ hơn tình trạng khó khăn về vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thi công hiện nay, hãy cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam trao đổi với TS THÁI DUY SÂM, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam.