• 3176 lượt xem
  • 06:33 26/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Xử phạt không phân loại rác thải theo luật hay nghị định?

Chuyện phạt tiền hay chưa phạt từ 25/8/2022 nếu các gia đình không phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đang thu hút mọi người dân. Mấy hôm nay, người dân bàn tán có, lo ngại có vì nhiều khả năng sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng nếu như không phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà, theo Nghị định 45 có hiệu lực tính từ ngày 25.8.2022.

Đông đảo người dân cho đến cơ quan quản lý đều thấy lúng túng. Kế hoạch chi tiết thực hiện cũng như cách thức tuyên truyền để thay đổi nhận thức người dân thì vẫn chưa thấy đâu mà thời hạn và mức xử phạt đã chốt. 

Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có giải thích thêm, nhiều người đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn. Ngày 25/8 tới, dù Nghị định 45 có hiệu lực, nhưng chưa phải là thời điểm để xử phạt. Dư luận đang chưa hết ngơ ngác làm như thế nào để không bị xử phạt thì lại ngơ ngác tiếp vì không biết Nghị định 45 đã áp dụng ngay mức xử phạt chưa, mặc dù Tổng cục Môi trường nói là muốn phạt được vi phạm thì phải có quy định do địa phương ban hành. 

Như vậy là vẫn chưa dứt khoát áp dụng chế tài xử phạt. Chỉ khổ cho những người có ý thức, cũng như những công nhân thu gom vẫn phải gom chung cả rác vô cơ, hữu cơ, thậm chí độc hại mà thôi. 

KHÓ XỬ PHẠT KHÔNG PHÂN LOẠI RÁC THẢI   

Cũng như nhiều hộ gia đình tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Dần đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc này kéo dài không lâu, bởi rác tuy được phân loại tại nhà nhưng khi đưa ra điểm thu gom thì lại đổ chất đống với nhau.  

Bà NGUYỄN THỊ DẦN, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Mang ra xe rác vứt thì không có thùng phân loại, nên lại vứt chung vào một thùng". 

Tại bất kỳ điểm thu gom rác thải sinh hoạt của Hà Nội hay nhiều địa phương khác, người dân chỉ nhìn thấy 1 kiểu xe gom rác như thế này. Rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng, đều được gom chung vào xe chứa rác. Đến giờ quy định, nhà nào cũng đều cho lên thùng xe, sau đó đơn vị thu gom rác chuyển lên xe chuyên dụng đi xử lý.

Ông HOÀNG ĐẠO TẤN, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Chúng tôi cần được hiểu rõ để phân loại rác thải sinh hoạt, ngay cả túi chứa rác đã phân loại là túi nilon có đúng quy cách hay không?” 

Ông LÊ ĐỖ PHƯƠNG, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Cần trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để thu gom và vận chuyển rác thải đã phân loại.” 

Người dân và chính quyền cơ sở đều ủng hộ việc phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, việc làm thiết thực nhất là trang bị các loại thùng chứa rác hợp chuẩn sau phân loại tại các khu dân cư, với ít nhất 3 thùng chứa loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế.  

Tại Hà Nội, mỗi ngày thải hơn 6.000 tấn rác sinh hoạt. Dự tính 8 năm nữa, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gần 9.000 tấn. Chỉ tính đến năm 2019, Hà Nội đã có hơn 300.000 căn hộ chung cư. Đây là nguồn phát các loại rác thải khổng lồ. 

Nếu nói toàn bộ người dân không nắm được thông tin hay đều không có ý thức phân loại rác tại nhà là chưa đúng. Công ty thu gom rác thải sinh hoạt của Hà Nội là Urenco, cũng khẳng định, quận Hoàn Kiếm đã chủ động việc tuyên truyền này đến người dân. Thậm chí, chính quyền quận đã phối hợp cùng công ty xem lại camera ghi hình để nhắc nhở và có biện pháp phù hợp với hành vi xả rác ở những tuyến phố đi bộ cuối tuần. 

Nhưng, còn nhiều ủy ban nhân dân quận và phường tại Hà Nội đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên để tuyên truyền người dân cần phân loại rác thải ngay tại nguồn. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đang chờ hướng dẫn của thành phố để triển khai tới cấp cơ sở, cũng như tuyên truyền đến người dân. 

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường có những giải thích mới đây là: Các địa phương có thể ban hành quy định sớm hơn thời điểm 31.12.2024. Còn hiệu lực xử phạt của Nghị định 45 là để các địa phương khi ban hành quy định đã có sẵn chế tài xử phạt chỉ việc áp dụng mà thôi. Nhưng, áp dụng mức xử phạt theo hiệu lực của Nghị định 45 hay Luật Bảo vệ môi trường, đang gây lúng túng và khó hiểu cho những người thực thi.

"VÊNH NHAU" THỜI HẠN THỰC THI

Theo Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25.8 tới đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Trong khi đó, Khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 lại quy định: Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, Nghị định 45 là văn bản dưới luật nhưng lại có hiệu lực thi hành và mức xử phạt trước Luật Bảo vệ môi trường.

Ông LÊ ĐỖ PHƯƠNG, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Giữa Nghị định 45 và Luật Bảo vệ môi trường đang có độ trễ của nó, như vậy chúng ta phải xem xét, cân nhắc trong việc tuyên truyền, vận động, cũng như xử lý vi phạm hành chính.” 

Ông ĐẶNG HỮU BÌNH, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco): “Tôi nghĩ luật đã đưa ra rồi, còn các văn bản hướng dẫn chúng ta cũng phải nên xem xét để phù hợp với từng địa phương và từng địa bàn cũng như đặc biệt đối với công tác vệ sinh môi trường ở từng nơi, từng khu vực.” 

Phân loại rác tại nguồn là hợp lý để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đô thị, cũng như đảm bảo việc coi rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế; giảm tình trạng chôn lấp như hiện nay, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể cho phân loại rác vẫn còn bất cập, nên dù nhiều lần thí điểm nhưng kết quả vẫn không khả quan.

TS. DOÃN HÀ THẴNG, Tiến sỹ Vật lý Plasma: “Phân loại rác vô cùng quan trọng, bắt buộc chúng ra cần vượt qua bước này để giảm thiểu các vật liệu sinh ra dioxin. Ta phải tiền chế rác, chuyển nó thành vật liệu đốt, dù nó còn có độc hại do chưa thể phân loại hết nhưng nó còn đỡ hơn nhiều. Nếu coi rác như lá đùn đống lại đốt theo cách cũ thì điều đó không đúng.” 

Ông ĐẶNG HỮU BÌNH, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco): “Việc nghị định đưa ra xử phạt cũng như các nghị định trước đây đưa ra các mức xử phạt và hình thức xử phạt mới về chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng như tôi được biết, hiện nay, để người dân nhận biết phân loại rác như thế nào, chúng ta cần một lộ trình, một kế hoạch và cũng phải phân định rõ phân định chất thải này thành những loại chất thải như thế nào và có công nghệ để xử lý chất thải sau phân loại hay không?” 

Thực tế này có thể đoán trước, quy định xử phạt bằng tiền nếu không phân loại rác thải sinh hoạt theo Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25.8.2022 sẽ khó thực hiện được, do mới chỉ xử phạt một phía là người dân cũng như không có ai giám sát và quy định cụ thể của địa phương hầu như chưa có. 

Hầu hết rác thải sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Một số đơn vị ở Hà Nội và tỉnh thành khác có xử lý bằng công nghệ đốt, nhưng chưa nhiều. Nghĩa là, từ phế liệu, thủy tinh, nhựa, gỗ, giấy, nilon, rác hữu cơ... cho dù có được phân loại tại nhà, nhưng khi tập kết ở một điểm thì tất cả lại dồn đống vào nhau. Sau đó, chất hết lên xe chuyên chở đến các bãi chôn lấp hay là điểm xử lý đốt rác. Đó là thực tế tại hầu hết các tỉnh thành phố.

Bản thân các đơn vị, doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu gom rác sinh hoạt, cũng chưa xử lý được từng loại rác sau khi đã phân loại. Đây mới là nguyên nhân chính làm khó quy định mức xử phạt theo Nghị định 45. Chưa kể, nghị định lại có hiệu lực trước cả Luật Bảo vệ môi trường. Dễ gây lúng túng với người dân và cả những đơn vị thu gom rác thải.

Bên cạnh những quy định về mức xử phạt, các chuyên gia cũng nên nghiên cứu về chế tài và phương thức xử phạt thế nào, ai là người theo dõi-giám sát, ai là người có quyền trong việc xử phạt? Phải có hướng dẫn cụ thể để người dân phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, phổ biến những hành vi nào thì bị xử phạt ... thì những quy định mới có hiệu quả.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, xoay quanh những nội dung này.

NGHỊ ĐỊNH 45 LÀ ĐỂ CÓ SẴN CHẾ TÀI XỬ PHẠT

Thưa ông, Nghị định 45 có hiệu lực từ 25.8 tới đây, nếu vậy quy định xử phạt sẽ được áp dụng luôn với người vi phạm hay vẫn chưa xử phạt? 

Ông NGUYỄN HƯNG THỊNH, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Đúng rồi. Tất cả các chế tài quy định phân loại tại nguồn ngày 25.8 tới đều có hiệu lực. Nhưng nếu muốn xử phạt hành vi không phân loại rác theo quy định thì khi nào các địa phương ban hành quy định thì mới xử phạt được! Nếu chưa có quy định thì có xử phạt được phân loại rác không đúng quy định được không? Ở đây có nhiều chế tài, nhiều quy định chứ không phải chỉ một cái này. Cũng như Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1.1.2022 nhưng có một số tình tiết của luật trong luật quy định lộ trình triển khai thực hiện chậm hơn. Chế định nào mà luật có lộ trình thì mức phạt ấy theo lộ trình của luật.” 

Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường chậm nhất là 31.12.2024 được thực thi, nhưng ngày 25.8 đã là hiệu lực thi hành Nghị định 45. Liệu có sự vênh nhau về thời điểm thực hiện chế tài của nghị định và luật, thưa ông?

Ông NGUYỄN HƯNG THỊNH, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Phải hiểu thế này, nghị định xử phạt chỉ đưa ra chế tài, chế tài một hành vi, còn luật thì quy định về mặt nội dung. Chế tài hành vi ý nói là khi nào anh thực hiện không đúng hành vi thì tôi phạt. Nhưng chỉ áp dụng được khi ban hành quy định đó, quy định đấy luật cho thời hạn lộ trình 3 năm. Bây giờ các địa phương chưa hành quy định thì sao mà phạt được? Bởi vì bạn cứ đặt vào cơ quan nhà nước đi: Giờ có phạt được người dân không phân loại rác ngày 25.8 này không? Bạn phạt người ta, họ sẽ bảo, quy định ở đâu để tôi phân loại? Quy định ở đâu thì luật giao cho UBND cấp tỉnh phải ra quy định.”

Vẫn theo giải thích của Tổng cục Môi trường, từ ngày 25/8 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực và áp dụng xử phạt vi phạm. Nhưng, như đã nói, phạt được hay không phải chờ quy định địa phương ban hành. Ở đây cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, một số chế tài sẽ có lộ trình thực hiện sau gần 3 năm nữa.  

Cách giải thích của ngành quản lý về môi trường là vậy. Chúng tôi thấy nó vẫn chưa "thoát ý" cho lắm: Chẳng hạn như chưa khẳng định Nghị định 45 xử phạt hay không phạt từ 25.8? Tính khả thi như thế nào? Nếu vẫn xử phạt, cũng không dễ thực hiện, vì ai sẽ giám sát và chứng minh có hay không vi phạm? Người dân làm theo hướng dẫn nào? Còn nếu chưa phải là thời điểm xử phạt thì tính răn đe sẽ không cao, tất nhiên khó tạo ý thức với mỗi người dân.  

Bởi vậy, câu chuyện quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt, vẫn còn dài lắm. Và rác, vẫn không hề là chuyện nhỏ.