Góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Luật Dầu khí được ban hành từ năm 1993, qua 2 lần sửa đổi vào các năm 2000 và 2008 nhưng vẫn chưa được sửa đổi toàn diện. Dự kiến, luật này sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới. Để tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực này, sáng 5/4, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Toạ đàm “Góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)".

Tại toạ đàm, các chuyên gia nêu ý kiến, từ năm 1993 đến nay, dù trải qua 2 lần sửa đổi nhưng Luật Dầu khí vẫn chưa được sửa đổi toàn diện. Trong khi đó, tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng như bối cảnh khu vực và thế giới thay đổi rất nhiều. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, cạnh tranh và xung đột quốc tế thì ngành điều tra, khai thác, chế biến dầu khí đang đứng trước nhiều thách thức không dễ vượt qua. 

Do đó, một số ý kiến cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này cần phải nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành; đồng thời quán triệt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Về chính sách của nhà nước đối với dầu khí, một số chuyên gia cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung chính sách lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, chủ trương bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, mục tiêu phát triển ngành dầu khí tiên tiến, hiện đại cũng phải trở thành một trong những chính sách then chốt trong dự án luật này.

Khánh Hoàng