Ngày 26/4 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một trong những điểm mới được ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo luật lần này là quy định về những nội dung mà doanh nghiệp nhà nước phải công khai để người lao động được biết. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, góp ý.
Khoản 2, Điều 45 Dự thảo luật quy định, doanh nghiệp nhà nước phải công khai báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo tài chính hàng năm; ý kiến, kiến nghị của kiểm toán, của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính.
Nhiều đại biểu nhận định, việc minh bạch các báo cáo tài chính để người lao động biết là cần thiết, tuy nhiên không nên quy định bắt buộc việc công khai ý kiến, kiến nghị của kiểm toán vì khó khả thi. Trên thực tế, tại nhiều cơ quan hiện nay, báo cáo kiến nghị, kết luận của kiểm toán thường ở dạng thông tin mật, việc công khai có thể dẫn tới phức tạp thêm tình hình. Về công khai báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm, cần căn cứ thêm vào đặc thù của các doanh nghiệp để có thể sửa đổi, luật hoá cho phù hợp.
Một số ý kiến cũng cho rằng, không cần thiết phải quy định công khai việc đầu tư, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ cho các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung của doanh nghiệp trong Dự thảo luật vì điều này đã quy định rất rõ trong nghị định của Chính phủ. Tương tự vậy, quy định bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước cũng là không cần thiết vì đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng cùng các nghị định đi kèm.
Bên cạnh đó, không nên đưa vào quá nhiều nội dung mà doanh nghiệp nhà nước phải công khai dẫn đến không thể thực hiện được trên thực tế. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến, góp ý về hình thức công khai thông tin tới người lao động; về hội nghị người lao động, ban thanh tra nhân dân cùng một số nội dung khác, để đảm bảo triệt để thực hiện dân chủ khi luật được ban hành.
Thực hiện : Dương Dung Minh Chiến