Góp ý sửa đổi chính sách pháp luật y tế đối với người khuyết tật

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị cần có lộ trình xây dựng cơ chế và biện pháp đảm ảo để người khuyết tật tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng bình đẳng và phù hợp với người khuyết tật.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi trong thời gian tới đây cần phải có sự điều chỉnh để đảm bảo quyền của người khuyết tật. Cụ thể là: Bổ sung chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ; mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm gắn với việc điều trịm phục hồi chức năng cho ngừoi khuyết tật; Đối với một số danh mục vật tư y tế nhằm điều trị, phục hồi chức năng đối với các dạng khuyết tật cần được chi trả hoặc hỗ trợ một phần. 

Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam:

"Những người khuyết tật nói chung và người khuyết tật nhẹ thì nói chung đi khám nhiều, chúng tôi mong muốn người khuyết tật nhẹ cũng được có hưởng chính sách bảo hiểm y tế hoặc có chính sách ưu tiên để họ được chăm sóc tốt hơn".

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Trưởng Phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

“Hiện tại chưa quy định hỗ trợ khám điều trị tật về mắt như khúc xạ, điều trị lác, các dụng cụ phục hồi chức năng đối với người vận động cũng vậy, người khuyết tật có đặc điểm khác với người thường và đôi lúc có được sự hỗ trợ này, họ sẽ  có thể trở lại gần như bình thường”.

Các đại biểu cũng cho rằng cần phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng ở tuyến tỉnh, huyện xã và các dịch vụ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đặc biệt cũng cần có lộ trình xây dựng cơ chế và biện pháp đảm ảo để người khuyết tật tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng bình đẳng và phù hợp với người khuyết tật.

Ông Đỗ Hoàng Thái Anh - Chủ tịch Chi Hội người điếc Thành phố Hà Nội:

"Chúng tôi có rào cản về ngôn ngữ, mặc dù có người nhà đi cùng nhưng mỗi lúc đi khám rất khó khăn không biết mình bị bệnh gì cả vì vậy tôi mong có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và chúng tôi được chi trả cho dịch vụ đó". 

Các kiến nghị về chính sách nguồn nhân lực cho phục hồi chức năng, khám định kỳ cho người khuyết tật hay nhiều chính sách về giáo dục như quy định về độ tuổi đi học, mô hình giáo dục, phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập, phương pháp giảng dạy dành cho người khuyết tật cũng đã được đưa ra trong hội thảo./.