Góp ý sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, bồi thường đất cần hài hoà, đồng thuận của người dân

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xem là nội dung phức tạp, nhạy cảm và tác động tới mọi tầng lớp của xã hội. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu hết sức quan tâm và cho ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức vào sáng 30/8 tại TP.Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chủ trì hội thảo.

Theo đó, công tác đền bù cần thực hiện trên nguyên tắc đúng, đủ, công bằng. Giá đền bù phải tính toán dựa trên các yếu tố về kinh tế, văn hoá, môi trường, xem xét hình thức bồi thường mở, lấy tiêu chí hài hoà với người dân làm điều kiện tiên quyết.

Bà LÊ THỊ DIỄM THUỲ - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh: “Chỉ cần hài hoà đồng thuận với người dân, có thể không bằng đất, không bằng tiền, có thể nửa bằng đất, nửa bằng tiền. Có thể không bằng đất ở thì bằng đất khác. Thực tiễn cho thấy người dân cần việc làm tại chỗ hơn. Một dự án hình thành lên thì chỉ cần là một chân bảo vệ trông tòa cũng là nhu cầu. trong khi bỏ rất nhiều tiền để hỗ trợ đào tạo nghề nhưng thực ra đó chỉ là hình thức. Một số tiền hỗ trợ đó không phải là vấn đề căn cơ."

Việc thu hồi đất nên thực hiện theo phương thức trưng mua, trưng dụng và bằng với giá thị trường. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu thực hiện theo phương pháp thị trường đồng giá là trao đổi mua bán thì không có khái niệm hỗ trợ từ 1-5 lần.

Bà LƯU THỊ MAI HƯƠNG – Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai: "Hiện nay quy định của mình là hỗ trợ còn nhiều hơn cả bồi thường nhưng mà hỗ trợ ở đây đối tượng là gì? Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, về giá chỉ hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Khái niệm để xác định người sản xuất nông nghiệp ở đây rất mông lung. Một người ở Quận 1 về Đồng Nai mua đất lại có văn bản xác nhận họ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vậy quản lý như thế nào

Đại biểu cho rằng hiện dự thảo luật đang dừng lại ở mức chung chung, chưa sát với thực tiễn, còn nhiều điểm chồng chéo, do đó cần quy định cụ thể các thủ tục, điều kiện, phương thức thu hồi, bồi thường để tạo điều kiện cho việc thực thi sau khi có hiệu lực thi hành.

Ông NGUYỄN CHÍ KIÊN – Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ: “Nhà nước thu hồi đất ở thì được bồi thường đất ở, bây giờ mở rộng thêm là bồi thường bằng đất khác. Như vậy vấn đề thủ tục hành chính đặt ra là bồi thường bằng đất thì được thực hiện như thế nào? Nếu có chênh lệch về mặt giá trị thì xử lý như thế nào? Hiện nay trong quy định không có".

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA – Đoàn ĐBQH TPHCM: “Cả 1 cái huyện như thế anh xây nhà máy nhiệt điện, cơ khí ô nhiễm, xả chất thải độc hại thì anh không được thu hồi đất để làm dự án dù phục vụ mục đích công cộng thì điều kiện đó cần được quy định trong luật để khi địa phương triển khai, vướng quy định đó thì không được thu hồi

Theo đại biểu, hiện quỹ đất để bố trí tái định cư, nhất là tại các đô thị lớn không nhiều, do đó cần nghiên cứu các quy định để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời cần rà soát lại một cách tổng thể, tham chiếu với các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội trong thời gian tới./

Tăng Sắc