• 2230 lượt xem
  • 02:32 28/06/2022
  • Xã hội

Hà Nội: Bao giờ hết cảnh ngoại thành đốt rơm rạ thì nội thành lại mù mịt khói

Đến hẹn lại lên, sau mỗi vụ thu hoạch, trên những cánh đồng lúa ở Hà Nội lại mù mịt khói từ việc đốt rơm rạ. Hành động đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.

Phía trên là đường quốc lộ nhưng ngay dưới là cánh đồng. Cứ đến mỗi vụ thu hoạch, nơi đây lại bị che phủ bởi lớp khói mù dày đặc từ việc đốt rơm rạ của người dân. Cột khói cao đến hàng chục mét khiến các phương tiện lưu thông trên đường bị che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Người dân: “Ui dồi buổi tối thì mù mịt. Người ta đi đường là khói, đốt nhiều nhiều lúc người ta không nhìn thấy đường đi nữa.”

Biết là gây nguy hiểm, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ bản thân nhưng chính những người nông dân cũng không còn cách nào khác để xử lý đống rơm rạ này. Đây không chỉ là cách làm sạch cánh đồng trước khi bước sang mùa vụ mới, mà theo người dân, nó còn có nhiều tác dụng khác.

Người dân: “Đốt thành gio thì nó là chất vitamin gì đấy cho lúa, đốt nhiều mới ảnh hưởng đến môi trường còn đây đốt ít chả bận gì.”

Người dân: “Phải đốt thì ngày mai mới cấy được không thì không cấy được. Rạ nổi lên nó chết. Giờ mình không đốt người ta cũng đốt lấy gio.”

Những con đường hàng ngày là nơi đi lại của người dân, là nơi hóng mát, thư giãn mỗi buổi chiều tối thì những ngày này bỗng trở nên vắng lặng. Không ai dám ra ngoài vì khói bụi, ô nhiễm môi trường tăng cao.

Ông NGUYỄN XUÂN CHIẾN, Xã Kim Lỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội: “Nói người ta biết là như thế đấy nhưng người ta cố tình người ta làm, chả làm được gì cả. Bây giờ lượng rơm rạ nhiều như thế mà người ta tái lại làm phân hưu cơ thì tốt nhưng mà người ta lười không chịu làm. Người ta đốt cái bón ruộng luôn, không mất gì cả, mất mồi lửa thôi.”

Ông NGUYỄN ĐỨC NHUẬN, Xã Kim Lỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội: “Dân đốt rơm rạ nhiều thì đến dân trong làng cũng ngửi thấy mùi khói. Thấy khó thở, nhất là người già.”

PGS.TS LƯU ĐỨC HẢI, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: “Theo ước tính của rất nhiều nhà khoa học, số lượng rơm rạ ở Việt Nam nó có thể 60 triệu tấn. Rơm rạ để ngoài ruộng nếu không xử lý nó đi, không thu lại thì chỉ có mỗi con đường đốt. Nhưng thật ra rơm rạ là nguồn năng lượng tái tạo rất lớn. Bây giờ phải xem lại chính sách năng lượng tái tạo, rà soát lại. Khi có chính sách năng lượng tái tạo kích thích việc người nông dân thu hoạch rơm rạ bán để lấy tiền cho nhà máy nào đấy thì tôi nghĩ việc đó có thể giải quyết được.”

Hiện nay, một số địa phương đã ban hành nhiều văn bản xử phạt các trường hợp đốt rơm rạ nhưng mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không thực hiện hành vi đốt rơm rạ. Theo các chuyên gia, rơm rạ hiện là nguồn tài nguyên lớn nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách thay vì đốt bỏ. Một trong số đó có thể kể đến như làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm hay sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp.

Minh Quốc