Hà Nội cũ mà không cũ

Sẽ không quá khi nhận định rằng Thủ đô Hà Nội chính là “Thành phố di sản”, bởi nơi đây có quĩ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng trải dài hơn 1000 năm lịch sử. Trong xu hướng hội nhập mạnh mẽ hiện nay, chính quyền và người dân TP Hà Nội đã nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa ấy,

để mỗi du khách khi đặt chân tới đây đều cảm nhận được rõ ràng một Hà Nội “cũ” nhưng không cũ.

Hoàng Thành Thăng Long – Di sản văn hoá thế giới nổi bật của thủ đô Hà Nội. Thế nhưng đến thăm Hoàng Thành Thăng Long vào ban đêm, sản phẩm du lịch mới được khai thác trong 1-2 năm trở lại đây, sẽ đem lại những trải nghiệm vô cùng mới cho du khách, dù đã từng đặt chân tới đây nhiều lần trước.

Khu vực trung tâm thủ đô, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh vui tươi như thế này tại khu vực xung quanh nhà bát giác hay còn gọi là Nhà Kèn, nằm trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một công trình có tuổi đời gần 120 năm, gắn bó với bao nhiêu thế hệ người dân Hà Nội, thế nhưng đến giờ, công trình này vẫn đẹp, vẫn phù hợp với không gian công cộng đầy ắp cây xanh xung quanh. Điều này cũng tương tự như công trình Đài phun nước thuộc vườn hoa Diên Hồng hay còn gọi là vườn hoa con cóc toạ lạc tại phố Ngô Quyền, Hà Nội. Một công trình cũng đã hơn 100 năm tuổi nhưng chưa bao giờ tạo cảm giác xa lạ, lạc lõng với không gian vườn hoa mang dáng dấp hiện đại bao quanh.

Cũng Theo thống kê, quĩ di sản văn hoá của Hà Nội lên tới con số 6000, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; gần 1800 di sản văn hóa phi vật thể; một con số đủ để thấy nơi vô cùng đậm đặc giá trị di sản văn hoá. Thế nhưng để duy trì sức sống và phát huy được những giá trị trăm năm, nghìn năm ấy thì Hà Nội phải luôn vận động, và không ngừng làm mới, dựa trên nhưng nguyên tắc bảo tồn. Chỉ có như vậy, di sản văn hoá mới trở thành nền tảng để phát triển thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc

Anh Thư