Hà Nội lại đề xuất cấm xe máy

Nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra kế hoạch thực hiện cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Ngay lập tức đề án này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các chuyên gia giao thông

Thủ đô Hà Nội hiện có hơn 8 triệu người với 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu, ô tô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Trước thông tin đến năm 2025 thành phố sẽ cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025, đa số người dân đều nhận thấy đề xuất này không phù hợp.

Chị Trần Khánh Linh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy hiện tại việc cấm xe máy vào trong nội đô là không phù hợp. Xe máy phù hợp với đời sống người dân thủ đô nhất. Đường Hà Nội nhỏ, phương tiện công cộng tiện lợi nhưng không thay thế hoàn toàn xe máy được”.

Chị Hồ Thị Lan Luyến, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, các điểm xe buýt ở khá xa, đi bộ đến đó rất lâu, nên đi xe máy sẽ thuận tiện hơn. 

Được biết, lộ trình dừng xe máy của UBND thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 04 của HĐND năm 2017 được chia là 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm Thành phố (sớm hơn kế hoạch 5 năm).

Giai đoạn 2: sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Điều các chuyên gia băn khoăn là có khả thi hay không khi mạng lưới vận tải công cộng chưa đáp ứng đc nhu cầu di chuyển của người dân?

TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông đề xuất: “Nên chăng đề xuẩt thí điểm áp dụng ở một số trục nhất định, như Tây và Tây Nam nơi có đường sắt đô thị và BRT. Áp dụng dần ở những nơi có giao thông công cộng mới dễ thuyết phục được người dân. Nếu không khi đưa đề xuất cấm xe máy thì người dân sẽ luôn hỏi, vậy đi bằng gì? Nếu chỉ dựa vào hệ thống xe buýt không sẽ không đủ. Vì xe máy chiếm 70-80% sẽ không đáp ứng được nhu cầu người dân.”

Ngoài ra, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng sẽ đạt được 30 đến 35% thị phần vận tải nội đô. Đây được cho là tiền đề để cấm xe máy. Như vậy, 70% còn lại sẽ do loại hình nào gánh trọng trách này? 

Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, chỉ khi nào đáp ứng được 100% thì mới có thể tiến hành cấm các phương tiện cá nhân được. Việc 2-3 năm nữa có đạt được điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Hà Nội có biện pháp thần tốc nào đáp ứng được nhu cầu đi lại 100% người dân hay không. Tuy nhiên trong lịch sử chúng ta nhìn thấy không thể phát triển thần tốc được. Kể cả các phương tiện giao thông công cộng được kỳ vọng trên thực tế tốc độ phát triển chậm, hiệu quả rất thấp nên rất khó để khẳng định chúng ta sẽ đạt được điều này.

Không phủ nhận, thời gian qua chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sự chuẩn bị tốt trong phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng hơn là đưa ra các giải pháp tạo ra các rào cản cho các loại phương tiện cá nhân bằng việc đẩy xe máy ra khỏi các loại hình phương tiện nội đô.