Hà Tĩnh: Làm rõ phương án sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Các thành viên đoàn giám sát về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 đánh giá cao quyết tâm chính trị của cấp uỷ, chính quyền Hà Tĩnh trong thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính.

Dù cho rằng sắp xếp đơn vị hành chính cũng là cơ hội để lựa chọn được cán bộ giỏi, có năng lực trình độ, có trách nhiệm với cán bộ, tuy nhiên ý kiến thành viên đoàn giám sát cũng nhấn mạnh đây là vấn đề khó, bởi sẽ tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ, do đó mong muốn tỉnh Hà Tĩnh làm rõ phương án sắp xếp đối với 152 cán bộ dôi dư, cũng như có lộ trình kéo dài việc thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh cho đội ngũ cán bộ này. 

Ông PHẠM VĂN HOÀ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Hà Tĩnh còn 152 cán bộ công chức dôi dư chưa được sắp xếp. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh hỗ trợ việc cán bộ dôi dư đã hết hiệu lực. Nếu tiếp tục sắp xếp cho số cán bộ này mà không có nghị quyết hỗ trợ như đã có thì sẽ ra sao”.

Bà PHAN THỊ TỐ HOA - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh: “Chúng tôi đang đề xuất các giải pháp và thực hiện các giải pháp, một là chuyển sang vị trí phù hợp khi có người nghỉ hưu, hai là chuyển cân đối sang xã thiếu. Một nửa (trong số này) sẽ gặp khó khăn trong tiếp nhận do vấn đề năng lực vì vậy chúng tôi đang đề xuất chính sách đến năm 2026 và trình trong thời gian tới".

Nhấn mạnh chủ trương sắp xếp  đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng mong muốn, thời gian tới Trung ương có hướng dẫn cụ thể, khắc phục những bất cập trong quy định hiện hành.

Ông HOÀNG TRUNG DŨNG - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh: “ Cần sắp xếp mạng lưới y tế, trường học, cơ sở vật chất đồng bộ hơn. Mục đích của sắp xếp là tạo thuận lợi cho người dân nhưng bây giờ lại gây khó khăn cho người dân, đó là một thực tế.” 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, với tinh thần chủ động, thể hiện quyết tâm cao của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ bài học kinh nghiệm: Sắp xếp đơn vị hành chính không phải chỉ để giảm bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là thiết kế lại và tạo lập không gian phát triển mới cho địa phương theo hướng bền vững.

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Hà Tĩnh cần tiếp tục quan tâm làm tốt việc quy hoạch về chiến lược phát triển địa phương đến năm 2030, tầm nhìn tới 2050”.

Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Trưởng Ban công tác đề nghị, cần rút ra những kinh nghiệm để có sự chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày được nâng cao.

Tùng Dương