Hải Dương: Bến bãi “hành dân”, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng

Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống ở thôn Trại Xanh, phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, phải hứng chịu và sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động của các bến bãi sàng, tuyển than ven sông Kinh Thầy. Dù đã nhiều lần kêu cứu đến các cấp chính quyền địa phương, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

Bụi từ trong nhà ra tới ngoài sân, chỉ cần qua 1 đêm mái hiên của ngôi nhà này đã bị bụi than bủa vây đen kịt như thế này.

Ông NGUYỄN VĂN CHI, Thôn Trại Xanh, phường Duy Tân, Tx. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: “Ngày cũng như đêm, mở cửa ra coi như là nó bụi lắm không chịu được, trẻ con thì toàn bị bệnh đường hô hấp, người lớn như tôi không bao giờ hút thuốc mà đi khám còn kết luận nám phổi.”

Chẳng còn cách nào khác, người dân đành lòng phải tự trang bị những thiết bị chống bụi bằng những cách như thế này.

Bà NGUYỄN THỊ TƯ, Thôn Trại Xanh, phường Duy Tân, Tx. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: Không ai khổ bằng bọn cô ở đây, nguồn nước, không khí ảnh hưởng nghiêm trọng, cửa đóng kín mít không dám mở ra. Cũng không biết kêu với than với ai được.”

Ghi nhận thực tế cho thấy, khoảng cách từ các bãi chứa than, tới nhà người dân là rất gần. Thế nhưng, không được che chắn đảm bảo, đây chính là nguyên nhân phát tán bụi, khiến cho đời sống người dân đảo lộn trong nhiều năm qua.

Ông TRẦN HỒNG TÚC, Chủ tịch UBND phường Duy Tân, Tx. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: “Bây giờ anh bảo người ta chất than lên thì mình chỉ có thẩm quyền xử lý 10 tới 15 khối chất tải, giờ mỗi bãi 40 50 tấn thì mình chỉ biết báo cáo thị xã, cấp tỉnh thôi chứ xử lý làm sao được.”

Thị xã Kinh Môn có 85km đê gồm 4 tuyến sông Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách và sông Hàn Mấu. Từ nhiều năm qua, hàng chục bến bãi tự phát, không phép đã hoạt động bất chấp quy định pháp luật. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Minh Hòa, Minh Tân, Duy Tân, Thái Thịnh, Hiệp Sơn…

Ông TRẦN KHẮC QUYỀN. Bí thư – Chủ tịch UBND phường Minh Tân, Tx. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: “Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch 38 và thực hiện chỉ đạo theo kế hoạch 34 và 210 của thị xã và tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tháo dỡ công trình vi phạm trước 30/6 và lập biên bản 3 lần yêu cầu khắc phục.”

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, từ ngày 15/6 đến 15/10 hằng năm, các địa phương nghiêm cấm hoạt động khai thác cát trên sông; dừng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng lên bãi sông, ven chân đê; đồng thời, giảm độ cao chất tải các bãi chứa. Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lại đi ngược những quy định pháp luật.

Thực hiện : Hữu Nghĩa Minh Công