Hạn chế tín dụng đen - người dân sẽ được vay tiền ngân hàng qua căn cước công dân

Tín dụng đen, vay nặng lãi với hàng loạt hoạt động lộng hành, hệ lụy dẫn đến các hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và làm cho biết bao gia đình phải tan nát nhà cửa, gây bức xúc kéo dài trong trong nhân dân. Trước hoạt động biến tướng, Bộ Công an đã có động thái như thế nào? Một vấn đề có rất nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm.

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "Họ hướng tới đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, với thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất rất cao. Bộ trưởng cho biết giải pháp đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này?" 

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: "Chúng tôi đã coi đây là một trọng tâm, thường xuyên tăng cường nhận thức của người dân về những việc này và phối hợp cùng các ngành để cải thiện điều kiện lao động, làm việc của công nhân, giảm bớt những hoạt động phức tạp trong các khu vực này, trong đó có hoạt động tội phạm tín dụng đen. Phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư xác thực, mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen."

Bà NGUYỄN THỊ YẾN NHI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: "Có một thực trạng khi người dân vay ở các ngân hàng đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao để trả vào cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục cho vay lại. Thống đốc có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới." 

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Trường hợp khách hàng không đề nghị gia hạn nợ, mà có thể đi vay mượn tiền từ người thân và gia đình, hay như trường hợp của đại biểu phản ánh là có thể vay từ nguồn tín dụng đen. Trên thực tế thì các tổ chức tín dụng khó có thể biết được tiền đó từ đâu để khách hàng trả nợ." 

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: "Bộ Công an và Ngân hàng nhà nước đã có đề xuất gì để Quốc hội, Chính phủ ban hành chế tài mới xử lý nghiêm khắc với tội phạm này." 

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: "Chính phủ rất quan tâm, đã có một chỉ thị về đấu tranh phòng, chống tín dụng đen. Những tổ chức tín dụng đen đều có liên quan đến tội phạm hình sự, đến tội phạm. Muốn giải quyết được vấn đề này thì cũng phải xử lý được những băng ổ nhóm tội phạm hình sự. Đây là một phương thức hoạt động của một bộ phận tội phạm hình sự, nhất là những tội phạm có tổ chức thành ra không thể để hình thành các tổ chức tội phạm và từ những tổ chức đó không thể có điều kiện để hoạt động tín dụng đen." 

Thực tế cho thấy, khi người dân trót vay tiền tín dụng đen là rơi vào bẫy của các đối tượng với hàng loạt các chiêu trò dễ dẫn đến" tan cửa, nát nhà". Dù Bộ Công an đã ra quân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức nhưng tín dụng đen với mạng lưới chân rết vẫn núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng. Cử tri nhân dân đang trông chờ vào những giải pháp mang tính chiến lược của Bộ công an và Ngân hàng nhà nước như đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư xác thực, mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.