Hành lang Quốc hội ngày 29/5: Bảo đảm công bằng với các đối tượng tham gia phòng chống dịch

Trong chương trình làm việc chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Việc thực thi chế độ, chính sách cần phải nhìn nhận công bằng với các đối tượng tham gia phòng chống dịch.

Đại biểu cho biết, theo Nghị định 05 của Chính phủ, đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% theo quy định là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế và đã, đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức 40% đến 70% quy định tại Nghị định 56. Còn đối tượng khác là công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập như truyền thông, giáo dục sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình, viên chức quản lý phục vụ không trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế... đang hưởng 30% mức phụ cấp ưu đãi theo nghề thì không được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 100%. 

Ý kiến khác cũng chỉ ra, vào những thời điểm cam go nhất của các đợt bùng phát dịch đội ngũ viên chức ở các bộ phận cũng làm việc không kể ngày đêm thường xuyên trực tiếp tiếp xúc ở môi trường có nguy cơ cao về lây nhiễm, nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác hậu cần. Chẳng hạn như thực hiện nhiệm vụ lái xe chở đội truy vết, phóng viên truyền thông đi vào các vùng dịch, khu cách ly y tế… , do đó cần phải có sự ghi nhận phù hợp.

Rõ ràng, cần phải có một sự nhìn nhận lại để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng cần được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề để đảm bảo công bằng, tránh tâm tư.

Để khắc phục tồn tại về tổ chức bộ máy y tế cơ sở không ổn định, chưa thống nhất; dự thảo nghị quyết giám sát đã đưa giải pháp là giao ủy ban dân cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyên môn của ngành y tế. Quan tâm nội dung này, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế cần cân nhắc kỹ lưỡng nghiên cứu, xem xét lại quy định này. 

Dẫn chứng báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều ưu việt khi áp dụng mô hình trung tâm y tế trực thuộc sở y tế, các đại biểu đề nghị cân nhắc giải pháp giao ủy ban dân cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện. 

Hiện cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố đang áp dụng mô hình trung tâm y tế là đơn vị sự nghiệp, y tế công lập trực thuộc sở y tế và chỉ có 3 tỉnh, thành phố quy định trung tâm y tế trực thuộc ủy ban nhân dân huyện. Điều này cho thấy đây là mô hình có hiệu quả, thuận lợi trong quản lý hệ thống chỉ đạo xuyên suốt theo ngành dọc.

Từ các phân tích, ĐBQH đề nghị Chính phủ cần cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc chức bộ máy y tế cơ sở. Trên cơ sở đó có những quy định, hướng dẫn đồng bộ cụ thể và căn cơ, tạo sự thống nhất về quản lý và hoạt động trong cả nước.

Tiếp tục thảo luận về kết quả giám sát việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đầu giờ chiều nay, đã có nhiều ý kiến chỉ thêm nhiều vấn đề nổi lên trong hoạt động thực tiễn của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Để xây dựng và phát triển hệ thống y tế trong giai đoạn mới, chúng ta cần giải pháp gì?

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc kết nối trực tiếp!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam