Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều, vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng bên cạnh các biện pháp phục hồi kinh tế, cần quan tâm đến chính sách an sinh cho người lao động. Nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập giảm sút, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia trong thời gian gần.
Nhìn lại quá trình việc ban hành các Nghị quyết, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ, tại Kỳ họp bất thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43, sau đó 19 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Trong sáng 31/5, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến liên quan đến tính hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp này chưa đạt như kỳ vọng. Và để phân tích rõ hơn, cùng lắng nghe những chia sẻ của đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!