Hành vi bạo lực gia đình chưa được nhận diện đầy đủ do luật còn chung chung

Bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra nhiều nơi, số vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng ngày càng gia tăng nhưng một số nội dung được đề cập đến trong Luật còn chung chung, chưa được cụ thể hoá dẫn đến chưa nhận diện đầy đủ hành vi bao lực gia đình...là những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Cùng với đó là cần quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, bố trí kinh phí cho các nhóm phòng chống bạo lực gia đình…là những ý kiến thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức tại Sơn La. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý và Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Hoàng Thị Đôi đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn về chính sách của Nhà nước; chính sách của nhà nước còn chung chung, mang tính gợi ý, điều này sẽ gây khó khăn trong qua trình triển khai thi hành Luật; đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế là người bị bạo lực gia đình; quy định những điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về bạo lực gia đình.

Ông NGUYỄN QUANG HUẤN – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: “Chương 2, đề nghị bổ sung không xét gia đình văn hoá đối với những hộ gia đình có hành vi bạo lực gia đình; về hình thức thông tin tuyên truyền, đề nghị bổ sung hình thức trợ giúp pháp lý, tủ sách pháp luật; cần nâng cao và nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Bộ Công an trong việc phối hợp và xử lý các vụ việc bạo lực gia đình”

Bà MÙI THỊ THIỆP – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La: “Đề nghị quy định rõ các biện pháp khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về Bạo lực gia đình, bổ sung các hình thức báo tin về bạo lực gia đình hay nguy cơ bạo lực gia đình qua mạng xã hội; sửa đổi, bổ sung quy định về báo tin, tố giác bạo lực gia đình; quy định rõ trách nhiệm của người phát hiện bạo lực gia đình tại địa phương mà không thực hiện báo tin, tố giác".

Bà ĐINH THỊ THU – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La: “Cần đề cập và nâng cao vai trò của các thiết chế gia đình, dòng tộc, cộng đồng xã hội để phòng chống bạo lực gia đình."

Các đại biểu cũng cho rằng cần cân nhắc tính khả thi về trách nhiệm, thời gian giải quyết của tổ phòng chống bạo lực gia đình; Quy định rõ trách nhiệm của các thành viên trong tổ phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở; quy định mức độ hành vi của bạo lực gia đình dựa trên những tổn hại của nạn nhân để quy định rõ mức độ xử lý phù hợp.

Kết luận hội nghị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng của các đại biểu tham dự; đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo hoàn thiện dự án Luật với chất lượng tốt nhất./.

Sơn Nam