Hệ lụy do sang nhượng đất cho nhà đầu tư yếu năng lực

Tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong số nhiều dự án chậm triển khai ở các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì có nhiều dự án được các địa phương giao đất cho những nhà đầu tư bị đánh giá là yếu năng lực, thiếu quyết tâm trong triển khai thực hiện, thậm chí có dấu hiệu “ôm đất” chờ sang nhượng kiếm lời.

Điều này cho thấy nhiều bất cập trong pháp luật về đất đai cần sớm được khắc phục để tạo sự lành mạnh, minh bạch cho thị trường.

Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam có diện tích 2700ha, qua 20 năm xây dựng đến nay vẫn chưa thể định hình. Nhiều doanh nghiệp chia lô bán nền khi chưa đủ điều kiện, cá biệt còn chưa được cấp chủ trương đầu tư. Điển hình như công ty Bách Đạt An với cả ngàn lô đất đã bán, doanh nghiệp đã thu tiền hơn 90%, nhưng suốt hơn 4 năm dự án vẫn chưa hoàn thiện gây khiếu kiện kéo dài.

Tại Quảng Ngãi, 12 năm trước, hơn 23 hecta đất vàng ven biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi được cấp cho nhà đầu tư để xây dựng dự án du lịch. Tuy nhiên đến nay, diện tích này vẫn bỏ hoang và bị sang nhượng qua nhiều đời chủ.

Một trong những nguyên nhân được cho là do cơ quan quản lý, giám sát chưa chặt chẽ dẫn tới chủ đầu tư chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, lại là đơn vị yếu năng lực hoặc cố tình “ôm đất” chờ thời cơ sang nhượng tiếp. Một vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, trì trệ kinh tế địa phương.

Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Đất đai, trong đó bổ sung một chương về phát triển quỹ đất với các cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả để tạo quỹ đất chủ động điều tiết cung - cầu của thị trường, đấu giá quyền sử dụng đất. Cử tri cả nước kỳ vọng Luật sẽ là bước đột phá để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Việt Hà