• 1301 lượt xem
  • 05:30 27/03/2022
  • Văn hóa

Hé mở ký ức vàng son nền văn hoá Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời

Là một trong những đề án khoa học có quy mô lớn, Đề án khảo cổ học văn hoá Óc Eo sau gần 4 năm thực hiện đã chính thức được công bố qua ấn phẩm “Văn hoá Óc Eo – những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền chùa 2017 – 2020”. Vừa qua, UNESCO đã chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới.

Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ đại trên đất nước Việt Nam, bao gồm: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở Nam Bộ. Cho tới nay, những kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế đã hé mở nhiều cánh cửa khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo. Nhờ vậy, những hiểu biết về quá khứ của vùng đất Chín Rồng dần dần được sáng tỏ; thông qua các nghiên cứu, khảo cổ học, các nhà khoa học đang làm sống dậy những giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại và gắn cho nền văn hóa này hơi thở của cuộc sống thời đại.

PGS.TS BÙI NHẬT QUANG - Chủ tịch Hội Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Trước đây chúng ta có nhiều băn khoăn về đặc tính, diễn biến trong quá trình lịch sử của vùng Nam Bộ, thì khi nghiên cứu về Văn hoá Óc Eo, nghiên cứu về Vương Quốc cổ Phù Nam giúp cho chúng ta tìm hiểu rõ hơn đời sống văn hoá của người Phù Nam cổ ngày xưa. Chúng ta thấy rằng những phát hiện khảo cổ mới giúp cho chúng ta có nhận thức rõ hơn về vùng đất Nam Bộ và đặc biệt hướng tới mong muốn của chúng ta có một di sản đặc biệt trong khu vực phía Nam”

Sau một thời gian dài thực hiện việc khai quật khảo cổ học tại Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) đã phát hiện nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đền tháp, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá cùng nhiều loại hình di tích cư trú, sinh hoạt, sản xuất thủ công. Đặc biệt, cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa đạng các loại hình dị vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thuỷ tinh.

Ông TRẦN ANH THƯ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Với công trình nghiên cứu này với những phát hiện mới này, với những dẫn liệu về lịch sử cũng như các hiện vật mà chúng ta phát hiện ra được và dựa trên chế tác nữ trang, chế tác từ vàng, từ khảm ngọc trai, đồ trang sức khác từ đây cho thấy tái hiện ra được kinh đô cổ, đô thị cổ ở khu vực này.”

Những ký ức vàng son của nền văn hoá Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học. Và từ đây, khu di tích Quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hoá của nhân loại.

PGS.TS BÙI MINH TRÍ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành: “Văn hoá Óc Eo đã thể hiện là văn hoá bản địa đặc sắc nhưng nó được phát triển mạnh mẽ bởi sự hội tụ các nền văn hoá, văn minh trên thế giới, ví dụ như có sự thay đổi ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, đã xây dựng nên một nền văn hoá bản địa giàu bản sắc và nâng trình độ ví dụ như sản xuất thủ công, đồ mỹ nghệ chế tác, xuất khẩu mỹ nghệ đưa đến thành tựu rất là lớn cho nền văn hoá, văn minh này. Ko chỉ mang tính riêng, mang tính bản địa mà còn mang tính khu vực và như đấy là tiêu chí rất quan trọng để đưa di sản Óc Eo – Ba Thê có thể trở thành là di sản văn hoá thế giới trong tương lai.”

Và ngày hôm nay, khi đề án khảo cổ học văn hoá Óc Eo được công bố, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu làm sáng rõ vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử văn hoá Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Ngô Trang