Hết vaccine tiêm chủng mở rộng, TP.Hồ Chí Minh đối mặt nguy cơ bùng phát dịch sởi

Mấy tháng qua, TPHCM đã không nhận được phân bổ vắc xin sởi và vắc xin DPT ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số điểm tiêm dịch vụ cũng không còn vắc xin. Trong khi đó, Covid-19 và sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn đang hiện hữu.

Lo ngại dịch chồng lên dịch sẽ khiến hệ thống y tế tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng sức khoẻ của trẻ nói riêng và người dân nói chung. 

Trạm y tế phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức, hơn 150 trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa chưa được tiêm vắc xin sởi và DPT vì hết vắc xin.

Bác sĩ PHẠM HUY HOÀNG - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức, TPHCM: "Chúng ta đã trễ mũi tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng khá nhiều rồi, mà không có vắc xin nữa thì nó sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng và đặc biệt là miễn dịch sởi".

Các điểm tiêm chủng mở rộng khác tại TP cũng đã hết 2 loại vắc xin này trong nhiều tháng qua.

Bác sĩ TRẦN THỊ TRANG - Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận 8, TPHCM: "Người ta nhớ ngày đến tiêm, nhưng khi tới, không có thuốc, mình hẹn người ta về rồi không biết khi nào có thuốc, người ta sẽ không tới trạm mình nữa thì công tác quản lý cho trạm y tế rất khó".

Tiêm chủng gián đoạn khiến ngành y tế TP lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát, nhất là khi Covid-19, sốt xuất huyết và nhiều bệnh khác vẫn đang hiện hữu.

Phóng viên PHƯƠNG THẢO: "Theo chu kỳ, dịch sởi có thể quay trở lại là 4 năm. Lần gần nhất xảy ra dịch là vào năm 2018. Trong 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở trẻ tại TPHCM đã thấp, nay lại tiếp tục bị gián đoạn. Điều này có thể dẫn đến dịch Sởi tái bùng phát ở mức độ nặng hơn ngay thời điểm hiện tại".

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM: "Rõ ràng sởi chúng ta có trận dịch năm 2014 ở miền Bắc chết rất nhiều. Sau đó là 2018, gần như ở toàn quốc, ở miền Nam - Bắc đều có. Tới nay nó có chu kỳ. Chu kỳ đó là giả dụ chúng ta chích được 98%, thì còn khoảng 2% dồn lại trong 5 năm, nếu khối lượng đó nhiều và dồn lại do chúng ta không chích thì khả năng dịch sẽ lây lan nhanh hơn".

Bác sĩ CKI TIÊU CHÂU THY - Khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: "Trong giai đoạn Covid, mấy em bé cũng bị khoảng trống miễn dịch nữa, nhiều loại vắc xin khác nữa. Nếu bây giờ dịch quay lại là rất sợ. Vì năm đó chỉ có Sởi thôi mà đã mệt lắm rồi, thời điểm hiện tại mà nhiều dịch cùng một lúc, vừa sởi, vừa tay chân miệng, covid cũng còn là 1 mối quan tâm… sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế".

Đến tháng 7/2022, toàn thành phố chỉ mới đạt 76,6% kế hoạch tiêm chủng mở rộng, trong khi chỉ tiêu cần là 95%. Trong khi đó, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã rơi vào tình trạng hết vắc xin dịch vụ kéo dài nhiều tháng, do khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm. Ghi nhận ngày 16/9, danh mục vắc xin dịch vụ của Viện này tất cả đều hiển thị trạng thái: HẾT.

Nguyễn Trình