Hiệp hội Bệnh viện tư nhân cho ý kiến về Dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi

Sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi tại các địa phương. Tại tỉnh Phú Thọ, sáng 17/8 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc Hiệp hội Bệnh viện tư nhân về vấn đề này.

Đề cập đến quy định về giá khám chữa bệnh tại điều 101 trong Dự thảo Luật Khám khám chữa bệnh “sửa đổi” đối với cơ sở y tế ngoài công lập về phía đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi quy định này là chưa thực sự hợp lý, gây ra rào cản cho y tế tư nhân phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo ra sự chồng chéo với một số điểm của luật khác.

Ông PHẠM VĂN HỌC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam: “Nếu quy định ở trong điều 101 như vậy thì sẽ xung đột với điều 11 của Luật Giá hiện hành. Tại điều này quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh tự xây dụng quyết định giá trừ những giá do Nhà nước quy định. Điểm C khoản 3 điều 19 Luật Giá quy định là Nhà nước định giá với cơ sở khám chữa bệnh trong công lập, tức là Luật Giá không quy định tư nhân. Thế nếu bây giờ Bộ Y tế quy định giá cả y tế tư nhân thì điều đầu tiên là gây ra xung đột với khoản 1 điều 11 của Luật Giá với khoản mà nguyên tác Dự luật là không được xung đột”

Liên quan đến xã hội hóa, đầu tư ngân sách của nhà nước trong lĩnh vực khám chữa bệnh, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, cơ sở vất chất cho các cơ sở y tế công lập, về phía bệnh viện tư nhân cho rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới việc đầu tư này rất hạn chế. Nên chăng nhà nước chỉ đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học và an sinh xã hội đối với y tế.

Ông NGUYỄN ĐỨC NHƯNG, Phòng Tổ chức Pháp chế Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ: “Với hệ thống của nhà nước ở các  các nước tiên tiến người ta làm 2 việc đó là nghiên cứu khoa học y tế, thứ 2 nữa là nhà nước đảm nhiệm việc từ thiện. Còn các lĩnh vực khác, các bệnh viện từ khám chữa bệnh ở tất cả các cấp độ hãy để xã hội hóa người ta lo việc này. Nhà nước chỉ cần tạo ra hành lang pháp lý thôi.”

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã tổng hợp để trình Quốc hội và làm căn cứ để có nghiên cứu tham gia phiên thảo luận về Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng đã buổi khảo sát tại một số bệnh viện ngoài công lập và lắng nghe ý kiến của người bệnh về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở này . 

Tiến Dũng