Bến Tre: Hiệu quả từ các công trình thủy lợi khép kín

Ngoài việc người dân chủ động ứng phó, thì những năm qua, các công trình thủy lợi từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh đã được khẩn trương xây dựng để ứng phó hạn mặn. Hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa vào vận hành hàng loạt các công trình thuỷ lợi, sẵn sàng các phương án ứng phó để bảo vệ sản xuất, kiểm soát tốt nguồn nước.

Phóng viên NGUYỄN ĐIỀN: “Cống châu thới này được xây dựng khi thi công tỉnh lộ 883, và được đưa vào sử dụng hơn 3 tháng nay. Đã giúp cho 1200 hộ dân trên địa bàn của 7 ấp không còn phải chịu cảnh thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Hơn 900 hecta đất canh tác cũng được cải thiện về năng suất, không còn chịu cảnh thất thu như trước đây”. 

Với 90% người dân của xã trồng dừa, việc bị nhiễm mặn sẽ khiến cho cây dừa bị treo trái, năng suất giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng cống ngăn mặn này, năng suất cây trồng đã dần được cải thiện. 

Ông HUỲNH KHÔI NGUYÊN, Công chức Địa chính Xây dựng Nông nghiệp Môi trường, Xã Châu Hoà, Huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre: “hiện tại giảm năng suất xuống còn khoảng 6.800 đến 7000 trái trên 1 hecta thì nó ảnh hưởng nặng nề như vậy. thì sau khi thành lập hồ sơ thi công cống này, đống cống ngăn mặn khép kín thì năng suất cơ bản nó có nâng lên nhưng mà nó cũng chưa phục hồi như ban đầu nhưng người dân cũng phấn khởi an tâm ổn định sản xuất". 

Còn với huyện Bình Đại, do là vùng nuôi trồng thuỷ hải sản nên người dân thường khoan giếng lấy nguồn nước mặn phục vụ trong nuôi trồng, tuy nhiên đến khi thu hoạch, nhiều hộ dân lại xả nước mặn trong chăn nuôi trực tiếp ra thượng lưu Ba Lai dẫn đến độ mặn cũng liên tục tăng cao trong những ngày đóng cống trữ nước ngọt. Ban quản lí cống đập này phải báo cáo lên trên và xả nước liên tục để đảm bảo nguồn nước ngọt dự trữ. 

Ông TRẦN VĂN HIỆP, Tổ trưởng Tổ quản lí cống đập Ba Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre: “Cống ba lai thì nó tương đối khép kín rồi, nhưng có một số hộ nuôi tôm biển trong phía quy hoạch ngọt hoá của phía thượng lưu ba lai người ta nuôi rồi bơm cây nước lên nuôi. Xong rồi xả ra phía thượng lưu nên là nó nhiễm mặn từ từ lên. Như hôm qua là 1,15 phần nghìn”. 

Ông BÙI VĂN THẮM, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh Bến Tre: “Về công tác chuẩn bị thì từ tháng 10 tỉnh đã có những chỉ đạo với cơ quan chuyên môn, sở cũng đã có hường dẫn cho các chi cục khuyến cáo người dân sử dụng nước hiệu quả và tích trữ nước. Kỳ vọng là mùa khô năm nay sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như những năm vừa qua”. 

Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, trong năm qua, tỉnh đã triển khai 5 dự án thuỷ lợi quan trọng như hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, hệ thống cống kiểm soát mặn tại Ba Tri, Chợ Lách, cống Thủ Cửu, đập tạm Thành Triệu. Một số công trình đã được đưa vào sử dụng kịp thời. 

Ông LÊ ĐỨC THỌ, Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Bến Tre: “Hệ thống thuỷ lợi của tỉnh thì đa mục tiêu, vừa bảo đảm được an ninh nguồn nước ngọt vừa phòng chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vừa giải quyết các công trình giao thông. Với hệ thống thuỷ lợi đa mục tiêu như vậy mà đã được đầu tư từ trước sẽ góp phần tích cực trong việc phòng chống và hạn chế ảnh hưởng đến mức thấp nhất của biến đổi khí hậu”. 

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cũng cho biết, trước đó tỉnh đã lập các Đoàn khảo sát đến kiểm tra đập tạm Thành Triệu; cống Sa Kê; cống Giồng Luông. Các công trình này được khởi công xây dựng từ 2 năm trước nhằm phục vụ công tác phòng chống hạn mặn, đã được xây dựng hoàn chỉnh, bàn giao cho đơn vị quản lý và đưa vào vận hành. Riêng cống Sa Kê dự kiến bàn giao cho đơn vị quản lý vào tháng 2/2022./.

Nguyễn Điền