Hồ sơ xin cấp phép sản xuất phim ở Việt Nam: Chỉ cần kịch bản tóm tắt hay phải có kịch bản đầy đủ?

Sáng 29/03, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục chương trình làm việc, cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới.

Đối với Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, để thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật đầu tư. Đối với cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ vì lý do quản lý toàn bộ nội dung phim. 

Thường trực Ủy ban trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án: Phương án 1: Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam. Phương án 2: Quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ. Nhằm tạo cơ chế để cạnh tranh trong thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài đến sản xuất phim tại Việt Nam, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ yêu cầu xin cấp Giấy phép trong trường hợp quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực và các dịch vụ liên quan đến sản xuất phim tại Việt Nam thực hiện theo hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận giữa các bên. Về phổ biến phim trên không gian mạng, Thường trực Ủy ban quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” như đa số ý kiến đại biểu. Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng là cơ sở điện ảnh phổ biến phim (thay cho tổ chức, cá nhân như dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 2). Một số nội dung khác như cấp giấy phép phân loại phim, thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý./.
 

Phan Hằng