• 1336 lượt xem
  • 22:35 19/01/2022
  • COVID-19

Hỗ trợ tối đa người lao động vượt qua đại dịch

Với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, lao động nước ta phải đối diện với tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên diện rộng. Dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn tiềm ẩn nhiều phức tạp và khó khăn. Hơn lúc nào hết, cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời, góp phần phục hồi bền vững thị trường lao động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, vợ chồng chị Thùy Chi, anh Quang Sỹ (tại Hà Nội) không nghĩ sẽ có một ngày họ phải rời xa công việc ấy. Hai năm qua, 4 đợt dịch Covid -19 lây lan cộng đồng khiến cho ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho hầu hết nhân viên ngành du lịch đều phải nghỉ việc tạm thời hoặc chuyển sang công việc khác. Thất nghiệp, lại phải nuôi 3 con nhỏ, vợ chồng anh chị phải xoay sở đủ nghề để kiếm sống. Gom hết vốn liếng, họ quyết định mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ, mong có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thế nhưng việc buôn bán cũng không dễ dàng.

Chị BÙI THỊ THÙY CHI - Hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội: “Khi dịch bệnh đến, mình không nghĩ dịch kéo dài lâu như vậy. Sau đó mình mới thấy là nó thực sự rất là lâu, không thể nhanh chóng phục hồi được. Có rất nhiều khó khăn, làm ở lĩnh vực mới và cần phải tìm hiểu mất rất nhiều thời gian, vất vả về con cái, kinh tế nên phải tính toán, điều chỉnh sao cho phù hợp…”

Đây có lẽ cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều người lao động trong dịch COVID-19 dù họ ở bất kì ngành nghề nào. Diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã đẩy tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn. Dù Chính phủ đã ban hành chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch, vừa phục hồi, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tính chung năm 2021, thị trường lao động vẫn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước, riêng khu vực thành thị vượt mốc 4%.

Ông PHẠM HOÀI NAM - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê: “Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đi tuy nhiên vẫn ở mức cao so với năm 2020, đặc biệt cao hơn so với năm 2019 rất nhiều.  Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có những chính sách để cải thiện.” 

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá 15, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tại nhóm giải pháp tài khoá, Nghị quyết đã đề ra các chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm và các chính sách hỗ trợ chung như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là những chính sách hết sức quan trọng giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi bền vững thị trường lao động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Theo tôi, khoản tiền này rất cần thiết, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tháo gỡ những khó khăn trước mắt và một phần khuyến khích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng đề nghị cân nhắc về tính hiệu quả, bởi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước….nên dành một khoản xứng đáng để đầu tư giải quyết việc làm cho người lao động sẽ có tác động lâu dài hơn, hiệu quả lớn hơn.”

Chính sách tài khóa, tiền tệ hết sức cấp thiết trước tác động nặng nề của đại dịch COVID -19. Nhưng để các hỗ trợ này đạt hiệu quả cao, kịp thời, đúng và trúng đối tượng, thì các điều kiện đặt ra ban đầu cần phù hợp, rõ ràng, sát thực tế. Đặc biệt khi triển khai, quy trình, thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn...để hỗ trợ tối ưu cho người dân, người lao động và doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân./.  

Hiền Trang