Họa sĩ Văn Dương Thành - Người mở cửa tâm hồn trẻ khiếm thị bằng hội họa

Hội họa không chỉ là ngôn ngữ truyền đạt ý tưởng của người nghệ sĩ, giúp thúc đẩy khả năng quan sát, nuôi dưỡng trí tưởng tượng thông qua việc sử dụng màu sắc và các hình khối. Còn đối với những người hướng thiện, hội họa còn là cách để người họa sĩ mang đến những giá trị nhân văn từ những hoạt động thiện nguyện, góp phần làm cuộc sống thêm ý nghĩa.

Trong nhiều năm qua, có một hoạ sỹ vẫn âm thầm lan toả những giá trị đẹp đẽ đáng trân quý của hội hoạ cho các trẻ em kém may mắn, chúng tôi muốn nói tới nữ hoạ sỹ Văn Dương Thành cùng những lớp học mỹ thuật của bà. 

Cầm cọ từ khi mới chỉ là một cô bé, vẽ đối với hoạ sỹ Văn Dương Thành đã trở nên tự nhiên như hơi thở của nhịp sống hàng ngày. Không chỉ bằng bản năng thẩm mỹ thiên phú, những tác phẩm hội hoạ của người hoạ sỹ này luôn tràn đầy những xúc cảm và nhiệt huyết với cuộc đời. Và sự nhiệt huyết này luôn được bà ấp ủ gửi gắm và truyền lại cho rất nhiều các thế hệ sau…

Không chỉ đơn giản là dạy các em nhỏ cách cầm bút, vẽ tranh mà thông qua những hoạt động này, các bạn nhỏ đã được truyền thêm nguồn cảm hứng với sắc màu, bút giấy và hơn cả là tình yêu và niềm tin vào cuộc sống.

Được hướng dẫn để tự tay hoàn thiện một bức tranh, được chạm vào các tác phẩm hội hoạ với các chất liệu mới lạ như sơn dầu, sơn mài, được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của hoạ sỹ Văn Dương Thành với các bạn nhỏ khiếm thị thực sự là những trải nghiệm và khám phá thú vị, như đủ đầy nhiều giác quan để cảm nhận thế giới này, như thêm nhiều động lực và hứng khởi để vượt qua những khó khăn tiếp theo

Giá trị thẩm mỹ của mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể được nhìn nhận khác nhau qua các thời kỳ, qua các góc nhìn, thế nhưng những bức tranh được vẽ bằng những ước mơ trong sáng nhất, bằng tình yêu thương chân thành nhất giữa con người với con người, bằng niềm hi vọng lạc quan nhất với cuộc đời rực rỡ sẽ là những bức tranh còn toả sáng lấp lánh mãi với thời gian…

Hải Linh – Linh Chi – Đào Nghĩa