Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa

Sáng 9/8, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với chuyên đề tập trung: Quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, hiện nay quy định về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới chỉ được quy định tại 1 điều và còn sơ sài, chưa làm rõ được các nội dung như: điều kiện thực hiện; danh mục bệnh được phép khám chữa bệnh từ xa; trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia, yêu cầu chuyên môn trong chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán dịch vụ, hợp đồng hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa… Do đó, hội thảo sẽ tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận và đưa ra những kiến nghị để góp phần hoàn thiện dự án luật.

Từ thực tế các đại biểu chia sẻ, việc chưa có hành lang pháp lý chính thức cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa dẫn đến nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, trong đó có việc xây dựng định mức kinh tế xã hội cho hoạt động này cũng như phương thức và cơ chế chi trả.

GS.TS VŨ VĂN GIÁP, Giám đốc Trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai: "Một điều hết sức quan trọng đó là có hành lang pháp lý, bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và tính pháp lý của việc tự khám ra làm sao? Rồi cơ quan chi trả cho việc đóng bảo hiểm khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa như thế nào? Vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn và chúng tôi tin rằng sau cuộc hội thảo ngày hôm nay thì sẽ có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ được cho các cơ sở y tế và cũng là các cơ sở để cho bệnh nhân được thực hiện dễ hơn việc thăm khám được hưởng lợi từ chương trình khám chữa bệnh từ xa."

Cũng theo các đại biểu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, lưu trữ, bảo mật cần phải có những quy định cụ thể; đồng thời rõ ràng về vấn đề pháp lý nếu xảy ra sự cố trong thực hiện hình thức khám chữa bệnh này.

PGS.TS.BS PHẠM THỊ BÍCH ĐÀO, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: "Công tác khám chữa bệnh từ xa khi xảy ra sự cố, tôi nghĩ là nên đưa vào cái quy định thật chặt chẽ. Ví dụ như việc bác sĩ tham gia vào hành nghề công tác này thì bắt buộc phải có giấy phép khám chữa bệnh của chuyên ngành mình được thực hiện và tư vấn công tác khám chữa bệnh từ xa. Việc xử lý nó như thế nào khi xảy ra sự cố cũng cần phải có thời gian để xem, những sự cố xảy ra cụ thể là những cái gì và việc đưa vấn đề giải quyết sự cố đó nên đưa vào quy định cụ thể, tránh sự cố cho bệnh nhân và đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho người bệnh."

Theo kinh nghiệm quốc tế, khám bệnh, chữa bệnh từ xa sẽ là xu thế khám, chữa bệnh trong thời gian tới, hình thức khám chữa bệnh này có liên quan và sẽ làm thay đổi hầu hết các nội dung khám chữa bệnh truyền thống. Do đó cần quy định pháp lý giữa cơ sở khám chữa bệnh với người bệnh, giữa người hành nghề và người bệnh. 

Sỹ Cường