Hoàn thiện pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Vụ việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC và tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm, gây lũng đoạn thị trường. Bên cạnh những hệ lụy về kinh tế, pháp lý, thì thiệt hại lớn nhất đối với những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thiếu trách nhiệm, chính là đánh mất uy tín, cũng như niềm tin của nhà đầu tư.

Mấy ngày trước, Cơ quan Cảnh sát Điều tra -Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 6 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. 

Đây cũng là hậu quả từ hành vi gian dối, không chấp hành kinh doanh đúng luật pháp.   

Ông NGUYỄN THANH TÚ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp: “Nếu không thực hiện đúng, có hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm, có thể ngắn hạn họ có thể tìm kiếm đc lợi nhuận lớn nhưng về dài hạn, về mặt uy tín, về mặt thị trường, họ sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức không chỉ về mặt pháp luật từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà còn từ đối thủ cạnh tranh, từ người tiêu dùng và từ cộng đồng đối với những hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm”.

 Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định điều chỉnh kinh doanh có trách nhiệm tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020… Tuy nhiên, các vụ việc kinh doanh thiếu trách nhiệm thời gian qua cho thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam cần được hoàn thiện, tiệm cận với các cam kết quốc tế, các thông lệ quốc tế về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Ông LIVIO SARANDREA, Cố vấn trưởng toàn cầu về Kinh doanh và Quyền con người của UNDP: “Đã có nhiều nước ở châu Á đã áp dụng chính quốc gia cho việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Hiện Việt Nam đang xem xét đến thách thức và cơ hội mà việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm mang lại. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước như Thái Lan hay Nhật Bản vì họ đã có hướng dẫn cho vấn đề này. Và trong việc tham vấn về chính sách này, Việt Nam cũng cần tranh thủ ý kiến của các bên liên quan và các tổ chức khác ngoài Bộ tư pháp để chính sách được hoàn thiện hơn”.

Các chia sẻ tại hội thảo đã góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; giúp Bộ Tư pháp có nhiều chất liệu đầu vào để tiến tới xây dựng dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023./.
 

Nhật Huy