• 1154 lượt xem
  • 05:30 09/09/2022
  • Văn hóa

Hoàng thành Thăng Long: Nhìn lại 20 năm để hướng tới bảo tồn bền vững di sản

20 năm kể từ những dấu tích đầu tiên về Hoàng cung Thăng Long xưa phát lộ tại khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Hoàng thành Thăng Long đang ngày càng khẳng định được vai trò, giá trị của một di sản văn hoá thế giới do UNESCO công nhận.

Tuy nhiên, với chiều dài lịch sử hơn 1300 năm, nơi đây vẫn còn rất nhiều những cứ liệu đang chờ giải mã, để không chỉ thực hiện mục tiêu vĩ mô là tái hiện được quá khứ ở hiện tại, mà còn bảo tồn, phát huy tối đa giá trị Hoàng thành Thăng Long, xứng tầm danh hiệu di sản văn hóa thế giới. 

Những chiếc giếng thời Trần, những vật dụng, vật liệu bằng đá thời Lê hay những vật liệu ngói qua các thời Đại La, Lý – Trần, Lê….. đây là một phần nhỏ những vết tích phát lộ tại điểm khai quật 18 Hoàng Diệu và một phần thềm điện Kính Thiên, minh chứng cho một khu vực có nhiều tầng lớp văn hóa, lịch sử chồng xếp, dày đặc. Đó chính là giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long khiến UNESCO sẵn sàng trao danh hiệu Di sản văn hoá thế giới dù thời điểm năm 2010, những cứ liệu khoa học về khu vực này vẫn còn nhiều ngổn ngang.

PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN – Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam: “Khi mà ta công nhận di sản Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới thì các nghiên cứu vẫn còn đang dang dở, thế nhưng mà cái giá trị quá lớn cho nên các nhà khoa học, các nhà quản lý và nhất là UNESCO thấy rằng là đạt tầm thế giới rồi thì ta công nhận ngay, nhưng mà sau đó UNESCO khuyến nghị là tiếp tục nghiên cứu và càng nghiên cứu càng ra thêm nhiều giá trị sâu sắc hơn.”

Những chia sẻ của PGS.TS Tống Trung Tín - người gắn bó với công tác khảo cổ tại Hoàng Thành Thăng Long ngay từ những ngày đầu, cũng là mục tiêu mà cuộc Hội thảo Khoa học Quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long” diễn ra trong 02 ngày 8,9/9 hướng tới. Với sự tham gia đầy đủ của cả bộ máy chính quyền TP Hà Nội, văn phòng Đại diện Unesco tại Việt Nam cũng như nhiều chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực khảo cổ, bảo tồn trong và ngoài nước, hội thảo sẽ cơ hội để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội xây dựng cơ sở cho những giai đoạn tiếp theo.

TS PHAN THANH HẢI– Thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Điều quan trọng nhất ở đây là cùng với việc xuất lộ di sản thì ý thức bảo tồn di sản ngày càng được nâng cao, đối với cả chính quyền Hà Nội và cả cộng đồng. Tôi cho rằng đó là điều hết sức quan trọng và đó là điều cốt yếu giúp cho Hà Nội hay là người Việt Nam có thể gìn giữ và phát huy Hoàng Thành Thăng Long ngày càng tốt hơn.”

GS.TS Ueno Kunikazu – Trường Đại học Nữ Naza-Nhật Bản: “Trong tương lai có thể khu vực này sẽ có rất nhiều khách tới thăm qua, chiêm ngưỡng và có thể có nhiều sự thay đổi ở đây. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là mọi công tác quản lý, bảo tồn khu vực này phải dựa vào những chứng cứ khoa học, đó là những cứ liệu vô cùng quan trọng.”

Công ước Di sản năm 1972 đã yêu cầu các thành viên tham gia phải không ngừng nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với một kho cứ liệu đồ sộ đã phát lộ, cũng như vẫn còn ẩn sâu trong lòng đất, Hoàng thành Thăng Long vẫn còn phải đi một chặng đường rất dài để có thể vẽ lại những trang sử. Tuy nhiên, điều may mắn là trên chặng đường khó khăn ấy vẫn luôn có sự hậu thuẫn của Chính phủ cũng như của chính quyền TP Hà Nội, sự đồng hành của các nhà khoa học và cả sự cam kết hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn uy tín thế giới, để đảm bảo giá trị di sản của Hoàng thành Thăng Long được quảng bá, phát huy tối đa trên một nền tảng bền vững.

Anh Thư