• 5937 lượt xem
  • 17:11 07/04/2022
  • Xã hội

Học sinh tự tử: Tất cả do áp lực học tập hay phụ huynh chưa đủ quan tâm?

Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến đối tượng học sinh xảy ra khiến người ta dễ dàng gán ngay mọi căn nguyên cho chuyện học tập. Thậm chí có người còn cho rằng nên dừng khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” để giảm gánh nặng học tập cho các em. Nhưng cách hiểu này liệu đã thấu đáo?

Bên cạnh các hoạt động học tập, Khánh Lâm được dành khá nhiều thời gian để vui chơi, giải trí. Bởi phụ huynh của em luôn tâm niệm con còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi chơi.

Anh BÙI QUANG TÙNG, Phụ huynh em Khánh Lâm: “Đúng là việc đặt nặng thành tích ở một số trường cũng gây nhiều áp lực cho các cháu. Gần đây cũng xảy ra nhiều chuyện không hay. Tôi thì không đặt nặng chuyện học của con, tất nhiên con cũng phải cố gắng theo kịp các bạn nhưng mà các con cần tự do hơn, tuổi này không phải để thi đua.”

Những cuộc chạy đua thành tích là có thật, và nó thực sự tạo áp lực, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.. Tuy nhiên, nếu chỉ quy tất cả về nguyên nhân đó, chúng ta dễ phớt lờ đi trách nhiệm đáng lẽ ra thuộc về mình.

Chị VŨ NGỌC DIỆP, Phụ huynh học sinh: “Tôi nghĩ là cũng nhiều yếu tố, một phần là các con ở nhà nhiều quá nên cũng bí bách, thành ra nghĩ tiêu cực."

Anh CHU TOÀN THẮNG, Phụ huynh học sinh: “Áp lực mà mình tự tạo ra là cái bên ngoài không thể nhìn thấy được. Phụ huynh về có thể trò chuyện hỏi han con nhiều hơn, để động viên con, giải tỏa áp lực, không mất nhiều thời gian đâu. Chứ nó không chỉ hoàn toàn là áp lực học tập.”

Chúng ta vẫn nói, trẻ em là mầm non của xã hội. Và khi một mầm non héo úa, đó là lúc chúng ta phải cùng nhìn lại để hiểu về những điều kiện phát triển chưa thích hợp. Quy giản mọi trách nhiệm về 1 phía thì dễ, nhưng nó không giúp chúng ta hiểu con trẻ hơn.

Đức Minh