Hội đồng nhân dân vừa thẩm định, thẩm tra vừa quyết định bảng giá đất, liệu có khách quan?

Một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá phù hợp với mức phổ biến trên thị trường. Tại phiên họp tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định rõ phương pháp, trường hợp áp dụng cụ thể để đảm bảo công khai, minh bạch trong định giá đất theo thị trường.

Thực tế, thị trường đất đai tại Việt Nam hiện vẫn tồn tại cơ chế hai giá chênh lệch lớn dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến đất đai.

Ông HUỲNH MINH TUẤN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Trong khi bà con mua đất, giá mua một đằng nhưng giá ghi trong hợp đồng lại thấp hơn rất nhiều để trốn thuế. Cơ quan chức năng thì dựa vào khảo sát trên hợp đồng để có thể ra được bảng giá đất. Điều này có thể gây khó khăn, khiếu kiện"

Trước thực tiễn những bất cập trong việc định giá đất trong thời gian vừa qua, các đại biểu cho rằng: Bảng giá đất cần phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiêp, đảm bảo công khai, minh bạch trong định giá đất theo thị trường.

Ông NGUYỄN DUY THANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: “Tôi đề xuất để giá đất sát giá thị trường, đảm bảo tính trung thực, khách quan, nên có 2 tổ chức thẩm định giá trở lên. Bên cạnh đó, tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, độc lập gồm các thành phần kinh tế, không thuộc bộ máy hành chính nhà nước và chịu trách nhiệm xuyên suốt về kết quả định giá đất của mình.”

Ông ĐỖ ĐỨC DUY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: “Nhà nước thực hiện đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, sau đó triển khai việc thực hiện, nên người trúng giá đất đấu giá đất khác nhau.”

Đối với nội dung mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất có sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội đề nghị: Cần xem xét lại quy định này để đảm bảo tính độc lập, khách quan.

Ông NGUYỄN QUỐC LUẬN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: "Tôi thấy trong thành phần hội đồng thẩm định bảng giá đất có đại diện hội đồng nhân dân. Điều này không hợp lý bởi hội đồng nhân dân cấp tỉnh vừa tham gia hội đồng thẩm định bảng giá đất vừa là cơ quan thẩm tra bảng giá đất vừa quyết định bảng giá đất, như vậy là không khách quan.”

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận: Trước đây, với việc nhà nước giao đất, không qua đấu thầu, đấu giá, chủ yếu là giao đất và định giá theo khung, theo bảng là bất cập lớn. Và việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không bao giờ khai thật giá trị mua bán thật.

Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đối với dự thảo luật Đất đai sửa đổi, phương pháp được lựa chọn là phương pháp định giá theo "vùng giá trị, xác định thửa đất chuẩn”. Trên thế giới cũng đã thực hiện được phương pháp này khi có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thiết lập được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn."

Do đó, trong luật này đã chế định, trách nhiệm của người dân, quy định về cách thức giao dịch, dữ liệu về nhà nước giao đất theo thị trường, việc đấu thầu, đấu giá…quá trình hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai để người dân có thể tự xác định được giá đất mất khoảng 5 năm.