Hội nghị Thượng đỉnh G7: Khả năng xem xét loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga

Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Đức vào cuối tháng này. Là diễn đàn thường niên quy tụ 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, bao gồm Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, Thượng đỉnh G7 thu hút sự quan tâm của truyền thông thế giới, khi các vấn đề kinh tế toàn cầu và các vấn đề tiền tệ sẽ là những nội dung chính trên bàn thảo luận của các nhà lãnh đạo.

Năm nay, những mối quan tâm chính tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 được dự đoán sẽ liên quan đến xung đột ở Ukraine và các loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga.

Theo thông tin được Reuters đăng tải, Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày tại Đức, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Reuters dẫn lời nguồn tin của chính phủ Đức cho biết, chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới dự kiến sẽ tập trung thảo luận về vấn đề Ukraine.

Theo đó, nội dung đàm phán cũng sẽ tập trung vào quá trình tái thiết trong trung và dài hạn của Ukraine. Nguồn tin cũng cho biết thêm, vấn đề gia tăng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sẽ xuất hiện nhiều, khi các đồng minh cân nhắc cách đối phó với các tác động thứ cấp từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga đối với nền kinh tế của họ - đặc biệt là trong việc khiến giá nhiên liệu tăng cao.

Tờ Politico cũng có bài phân tích, tập trung vào vai trò của Mỹ trên bàn đàm phán của Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra. Theo Nhà Trắng, chương trình nghị sự của Thượng đỉnh G7 hướng tới việc thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, trong khi cố gắng quản lý những gián đoạn mà chiến tranh đã gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, cụ thể là về giá năng lượng và lương thực.

Tác giả bài viết nhận định, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là một nhiệm vụ cao cả hơn so với chuyến thăm Châu Âu trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với nhiều mục tiêu công việc khó khăn không. Khi xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, Tổng thống Mỹ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo khác, rằng nền kinh tế của họ đang bị vùi dập bởi lạm phát gia tăng do xung đột kéo dài. 

Các cố vấn của ông Biden cho biết, ông sẽ tận dụng hội nghị này, nhằm thúc đẩy các đồng minh đi đúng hướng, và đưa ra tuyên bố rằng Ukraine cần phải được bảo vệ, không chỉ để ngăn chặn bạo lực trong tương lai mà còn gửi một thông điệp trên toàn cầu rằng, các nền dân chủ thống nhất sẽ không cho phép những hành vi gây hấn chuyên quyền.