Hội nghị về Chương trình giám sát của QH năm 2023: Đại biểu đề nghị giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Sáng 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát, sau thành công của Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 04/11/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước. 

Năm 2023, Quốc hội giám sát 02 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”;“Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 02 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”

Ngoài ra, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG - Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh: "Trong Báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện".

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện một số cuộc giám sát năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị quan tâm triển khai các giải pháp khai thác tối đa thông tin kết quả công tác của các cơ quan, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, để góp phần hạn chế hoạt động giám sát trực tiếp không cần thiết

Bà PHẠM THÚY CHINH - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: "Khi tiến hành giám sát, cùng với việc xác định nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, cần phải làm rõ các trách nhiệm giải trình, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự của tổ chức, cá nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết, khoa học, đồng bộ để giải quyết triệt để chồng chéo trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH..."

Ông TRẦN VĂN MINH - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: "Khi xây dựng kế hoạch giám sát thì cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cần khảo sát kỹ và lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm ,trọng điểm, trong đó, cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải".

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét có kế hoạch giám sát trung hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hàng năm.

Ông NGUYẾN TUẤN ANH - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: "Khi xây dựng kế hoạch trung hạn hoặc kế hoạch hàng năm, KTNN sẽ điều hành, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch bám sát những chủ đề thường dẫn tới tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, phục vụ cho hoạt động giám sát của QH. Đề nghị QH, các cơ quan của QH xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn để sớm đưa ra định hướng một số chuyên đề để đưa vào kế hoạch trung hạn của KTNN cũng như kế hoạch hàng năm".

Ngoài ra, các ý kiến kiến nghị Quốc hội tiếp tục mở rộng các chuyên đề giám sát trong các lĩnh vực cụ thể, Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Khắc Phục