Hơn 1.200 sáng kiến toàn cầu từ VinFuture hội tụ ở Hà Nội tối 20/1

Tối 20/01, Lễ trao giải thưởng VinFuture lần đầu tiên sẽ được diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một trong những giải thưởng có giá trị nhất thế giới, quy tụ các nhà khoa học lừng danh trên thế giới.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và đại dịch, VinFuture quy tụ hơn 1.200 sáng kiến giá trị từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 Viện Nghiên cứu nổi tiếng, và 42 Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia uy tín toàn cầu, đến từ 60 quốc gia ở sáu châu lục. Trong đó, Việt Nam tham gia với 17 dự án. 

Giáo sư ĐẶNG VĂN CHÍ, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Mỹ: “Năm nay về số lượng và chất lượng các đề cử đều rất tốt, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy có nhiều đề cử hơn là chúng tôi kỳ vọng và trong quá trình hội đồng giải thưởng chấm điểm cho các đề cử thì đôi khi chúng tôi tranh cãi rất gay gắt bởi có quá nhiều đề cử hay mang nhiều tính ưu việt. Chúng tôi thực sự rất khó khăn để tìm ra giải tốt nhất”.

Hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người, Việt Nam khẳng định là điểm đến hấp dẫn giới khoa học. 

Giáo sư KATALIN KARIKO, Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech:  “Trước đây khi tôi còn học đại học ở Hungary, tôi đã có một số người bạn học người Việt Nam và họ đã kể cho tôi rất nhiều về đất nước tươi đẹp này. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội hợp tác với giải thưởng ở Việt Nam như vậy, tôi cảm thấy rất là vinh dự”.

Thông qua VinFuture, nhiều nhà khoa học gốc Việt có dịp để kết nối với cộng đồng khoa học trong nước. 

Giáo sư ĐẶNG VĂN CHÍ, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Mỹ: “Khi tôi trở về đất nước có thể tham gia giải thưởng này thì thật sự là một vinh dự đối với tôi. Tôi đã có cơ hội đến thăm trung tâm big data của VIN. Tôi thấy rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn phát triển và đây thực sự là tương lai của đất nước”. 

Giáo sư NGUYỄN THỤC QUYÊN, Đại học California, Mỹ: “Đây không chỉ là giải thưởng Vinfuture mà còn là giải thưởng của cả đất nước và của người dân Việt Nam. Chúng ta có cộng đồng khoa học toàn cầu, và đột nhiên họ quan tâm đến Việt Nam một cách khác biệt. Tôi hy vọng rằng những người trẻ tuổi ở Việt Nam, thế hệ những nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này và tạo quan hệ mạng lưới, hợp tác để thúc đẩy những phát minh khoa học”.

Đúng như sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại”, các hoạt động của Tuần trao giải VinFuture đã khơi dậy niềm đam mê khoa học, kết nối cộng đồng khoa học trong nước với thế giới và quan trọng hơn, các ý kiến đưa ra tại VinFuture góp phần mở ra những công trình khoa học mới, đem lại lợi ích cho toàn nhân loại.

Cao Hoàng