IPU -144: Các nghị viện chia sẻ kinh nghiệm chống biến đổi khí hậu

Với sự tham gia của khoảng 1.200 đại biểu đến từ 118 đoàn nghị viện thành viên, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 144 (IPU 144) diễn ra tại Bali, Indonesia từ ngày 20-24/3/2022 là cơ hội để các quốc gia cùng thảo luận, trao đổi quan điểm, tìm cách thúc đẩy các chính sách và hành động nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay.

Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU 144 với chủ đề “Hướng tới phát thải ròng bằng 0: Quốc hội tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu” đã nhận được nhiều đề xuất, sáng kiến, kinh nghiệm thiết thực từ các nghị viện thành viên.

Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng sống còn mà thế giới đang phải đối mặt. Trái Đất đã nóng lên với tốc độ chưa từng có, với mức tăng 1,1 độ C so với thế kỷ trước. Nếu lượng khí thải toàn cầu không được cắt giảm 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030, thế giới sẽ không thể giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C. Từ thực tế này, việc hình thành một quỹ chống biến đổi khí hậu với sự đóng góp của các nghị viện thành viên IPU là vô cùng cần thiết.

Bà PUAN MAHARANI: Chủ tịch Hạ viện Indonesia: Chúng ta cần phải phân bổ 100 triệu USD mỗi năm cho quỹ chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, thông qua chuyển giao công nghệ và đầu tư. Để đảm bảo các mục tiêu này có thể trở thành hiện thực, Đại hội đồng IPU 144 cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu và hợp tác đa phương. Bên cạnh đó, cần phải chuyển các cam kết quốc tế thành các hành động cụ thể ở cấp quốc gia.”

Tăng cường hợp tác giữa nghị viện các quốc gia, trên cơ sở nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, phù hợp với năng lực và điều kiện riêng biệt của mỗi quốc gia cũng là đề xuất được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đưa ra tại phiên thảo luận toàn thể. Bên cạnh đó, trưởng đoàn Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Quốc hội trong thực hiện những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có cam kết tại COP 26. 

Ông VŨ HẢI HÀ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có 01 chương về Ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Trong năm 2022, Quốc hội thúc đẩy giám sát việc triển khai thực hiện các cam kết tại COP 26. Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn xác định lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể và là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu; không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug khẳng định, Quốc hội cần đóng vai trò dẫn dắt trong các hành động chống biến đổi khí hậu và cần đặt cam kết cao nhất để đạt được mục tiêu giảm phát thải. 

Ông PARK BYEONG-SEUG, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc: Năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi phản ứng khẩn cấp trước khủng hoảng khí hậu, chung tay với các nỗ lực toàn cầu để đạt phát thải ròng bằng 0. Năm ngoái, Hàn Quốc đã thông qua Luật khung về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh. Quốc hội Hàn Quốc cũng triển khai các sáng kiến mới để trở nên thân thiện với môi trường hơn. Đến năm 2030, thông qua chuyển đổi số, chúng tôi sẽ chuyển đổi thành một Quốc hội hoàn toàn không dùng giấy. Phương tiện vận chuyển phục vụ cho Quốc hội, các sản phẩm mà Quốc hội sử dụng cũng được chuyến sang phương án xanh hơn.”

Để hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, các nghị viện IPU cũng đề xuất IPU phối hợp với Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu xây dựng cơ chế giám sát, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, mô hình tốt trong việc thực hiện các cam kết của các quốc gia.

Kim Ngọc