Kế hoạch xoá tình trạng khách thăm "không tiếp thu được gì" về sử khi tới Hoàng Thành Thăng Long

Sau 20 năm phát lộ dấu tích các triều đại tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Hoàng Thành Thăng Long đang ngày càng khẳng định giá trị lịch sử cũng như di sản văn hoá nổi bật của mình, xứng với danh hiệu Di sản văn hoá thế giới do Unesco trao tặng từ năm 2010.

Tuy nhiên, để các dấu tích khảo cổ có thể cất lên tiếng nói thì di sản văn hóa đặc biệt của Thủ đô này vẫn cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là khu vực 18 Hoàng Diệu. Bởi di sản khảo cổ chỉ là phần còn lại của quá khứ, việc nhìn nhận phần còn lại đó có đúng, có đủ hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách bảo tồn, phát huy của hiện tại.

Nhân dịp nghỉ hè, chị Trang Quỳnh cùng 2 con của mình đã thực hiện một chuyến du lịch nho nhỏ vòng quanh Hoàng Thành Thăng Long. Để giúp các con có thể hiểu rõ hơn về những dấu tích khảo cổ học trong khu vực 18 Hoàng Diệu, chị Trang Quỳnh cũng đã phải tìm hiểu trước thông tin và giải thích thật kĩ cho các con, bởi việc tiếp cận những di sản mang tính chất khảo cổ như thế này không hề dễ dàng.

Chị NGUYỄN TRANG QUỲNH – Quận Long Biên, thành phố Hà Nội: “ Trong cái cuộc sống của các cháu thì cái kiến thức về lịch sử vô cùng quan trọng, nó giúp cho các cháu nhìn lại lịch sử để trước mắt có sự biết ơn các thế hệ trước họ đã để lại những cái thành quả nào cho thế hệ sau. Và mình cũng mong muốn là có sự trực quan để các cháu dễ hình dung hơn để khi các cháu có kể về sử thì cũng có gì đó sinh động và chân thực hơn”.

Tuy nhiên, với một buổi tham quan quá ngắn, với những vết tích khảo cổ bị đánh giá là khô khan, khó tiếp cận đối với cả những người trưởng thành, thì việc những bạn nhỏ lớp 5, lớp 6 có thể nắm bắt được phần nào giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực này ngay lập tức là điều gần như không thể.

Em VŨ ĐỨC THIÊN PHƯỚC – Học sinh lớp 5, trường Tiểu học Sài Đông, quận Long Biên, thành phố Hà Nội: “Đây là lần đầu tiên con đến đây nên con chưa biết gì ạ".

PV: Vậy qua câu chuyện của mẹ thì con có tiếp thu được gì không?

Em VŨ ĐỨC THIÊN PHƯỚC – Học sinh lớp 5, trường Tiểu học Sài Đông, quận Long Biên, thành phố Hà Nội: "Con không tiếp thu được gì”.

Câu trả lời rất thật của bạn nhỏ này cũng chính là bài toán đặt ra cho những người làm công tác bảo tồn di sản tại khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Và giải pháp mới nhất để có thể phát huy giá trị khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu trong thời gian tới đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đề cập tại buổi Họp báo Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long” sẽ diễn ra vào ngày 8,9/9 tới đây. Đó chính là một chiến lược đầu tư lớn cả về tầm vóc và qui mô.

Ông NGUYỄN THANH QUANG – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội: “ Cái 18 Hoàng Diệu - Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được thành phố, đặc biệt là Hội đồng nhân dân chấp nhận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2022 vừa rồi với giá trị là 792 tỉ, tương đương khoảng 33 triệu đô. Dự kiến là công việc này sẽ được khởi công trong nhiệm kì 2021-2025 và sẽ hoàn thành trước năm 2025. Khi đó công chúng đến với Hoàng Thành Thăng Long sẽ được chiêm ngưỡng bảo tàng khảo cổ ngoài trời cũng như trưng bày ở bảo tàng này ”.

So với các khu vực khảo cổ khác ở nước ta thì 18 Hoàng Diệu vẫn được coi là mô hình bảo tàng tại chỗ khá thành công. Tuy nhiên, để khu vực này có thể phát huy xứng tầm thì chiến lược đầu tư chính là nền tảng, trong đó chắc chắn không thể thiếu những công nghệ trình chiếu hiện đại, tạo không gian ảo 3 chiều, 4 chiều để giúp du khách thuộc nhiều độ tuổi khác nhau có một góc nhìn trực quan, sống động về lịch sử, thay vì những tờ thuyết trình dày đặc chữ.