Khách mời hôm nay: Dịch giả nhà văn Kiều Bích Hậu và ước mơ đặt sách Việt lên kệ quốc tế

Dịch văn học là chiếc cầu nối văn hóa của mỗi dân tộc ra thế giới. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm văn học nước ngoài ở Việt Nam nhưng làm thế nào để văn học Việt Nam có mặt ở nước ngoài, làm thế nào để bạn bè thế giới hiểu về phong tục tập quán, lối sống, lối suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của người Việt Nam vẫn đang là một dấu hỏi, một khoảng trống lớn.

Với trăn trở, khát vọng của mình, nữ nhà văn Kiều Bích Hậu đã và đang âm thầm, lặng lẽ xây dựng chiếc cầu nối văn hóa này với mong ước một ngày nào đó văn học Việt có mặt các kệ sách của thư viện, nhà sách trên toàn thế giới.

Sinh năm 1972, nữ nhà văn Kiều Bích Hậu được nhiều người biết đến và yêu mến qua các các truyện ngắn đạt giải thưởng như “Huyền thoại về người đẹp”, “Đợi đò”, “Mùa sen”… Gần đây, Kiều Bích Hậu khiến nhiều người ngạc nhiên khi chị khai phá lĩnh vực dịch thuật. Trước hết đây là một lĩnh vực khó vì nó đòi hỏi vốn ngoại ngữ và tài năng văn chương. Và khó hơn khi Kiều Bích Hậu không phải “dịch xuôi” nghĩa là dịch các tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam mà chị “dịch ngược” là đưa văn học Việt Nam đến với “mọi ngóc ngách thế giới” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như chị từng mơ ước.

Mời quý vị theo dõi chương trình!

Hạnh Thủy