• 2815 lượt xem
  • 15:51 22/02/2022
  • Xã hội

Khách mời hôm nay: Trải nghiệm làm giày cùng nghệ nhân Trịnh Ngọc

Nghề đóng giày thủ công ở Việt Nam đã từng tạo nên không ít thương hiệu nổi tiếng, gắn với nhiều hộ gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Và nhắc đến nghề đóng giày, những ai am hiểu sẽ nghĩ ngay đến cái tên Trịnh Ngọc - người được mệnh danh là “huyền thoại giày”, “bác sĩ giày”, cũng là người đã tự tay đóng đôi giày cho Quốc vương Campuchia.

Thưa quý vị, khách đến muốn đặt giày hoặc liên hệ công việc sẽ gọi qua số điện thoại trên bảng này. Vì tuổi cao và đặc thù công việc nên bác Ngọc có một không gian làm việc ở trên tầng 3. Bây giờ Hải Triều đang chờ người nhà bác ra mở cửa.

Chào bác ạ. Việt Nam Ngày Mới hôm nay đến thăm bác và trò chuyện về công việc của mình. Bác đang làm tới công đoạn nào rồi?
Này là ráp những chi tiết nhỏ của chiếc giày, sau đó may.

MC: Này phải công đoạn đầu tiên không bác?

Bác Trịnh Ngọc: Không, thứ 10 rồi.

MC: Để cho ra một đôi giày hoàn thiện, cần bao nhiêu công đoạn ạ?

Bác Trịnh Ngọc: Nếu chi li, theo bác để lại thì trên 200 công đoạn, làm phom, thiết kế… Muốn đẹp là phom phải đẹp, thiết kế căn cứ trên đó thì mới đẹp được.

MC : 70 năm trong nghề, bác đã từng đóng giày cho Quốc vương Norodom Sihanouk (Campuchia), nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, các lãnh sự nước ngoài, hay các ca sĩ nổi tiếng và cả những người khuyết tật… Đâu là đôi giày ấn tượng nhất với bác?

Bác Trịnh Ngọc: Bác làm cho ông Norodom Sihanouk là ấn tượng nhất. Ổng nói thôi là bác căn cứ vào bác vẽ. Bác vẽ từ đại khái đến tiểu tiết. Ổng nói tới đâu bác vẽ tới đó. Ổng nói ổng thường đi giày bên Paris không à, nhưng họ không thực hiện được những mẫu này. Ổng qua gặp bác thì được. Có những người họ đặt một kiểu nhưng nhiều màu. Họ thích kiểu đó. Như kiểu này, tuổi thọ trên 360 năm rồi. Học sinh sinh viên nước ngoài ra trường đều mang giày này. Nhiều tổng thống cũng vậy. Cổ điển, truyền thống nhất. Và thú vị nữa là bên Anh có một tên, bên Pháp cũng kiểu giày này có tên khác.

MC: Có công đoạn nào hướng dẫn con làm liền được không bác?.

Bác Trịnh Ngọc: Giờ đánh bóng thôi. 

MC: Đây là phom giày quá chuẩn luôn, giờ mình đánh xi bác ha.

Bác Trịnh Ngọc: Muốn làm đôi giày là phải có đôi phom, để vừa chân người ta, đo ni, số đo rồi mình thiết kế. Chiếc phom thì cong như vầy. Chỗ nào cũng cong. Người thiết kế giỏi là chưa có gò da, ướm vô phom thì vừa sát.

MC: Theo Hải Triều được biết, từng có công ty lớn của Đài Loan (Trung Quốc) mời bác hợp tác sản xuất giày, mức lương 2.500 đô và còn được tặng hơn 80 nghìn USD cổ phần trong công ty, đây là số tiền không tưởng với nhiều người, tại sao bác lại từ chối công việc đó?

Bác Trịnh Ngọc: Lúc đó mình thấy là vinh dự, vì có sự đánh giá cao. Khi đó với Việt Nam ngành giày quan trọng. Ngành mũi nhọn của đất nước, xuất khẩu được là kiếm ngoại tệ nhiều lắm. Hồi đó, đoàn đến muốn ký hợp đồng với một nhà máy sản xuất của Pháp, lớn nhất Đông Dương. Trong buổi trình mẫu, nhà máy thiếu mẫu. Anh giám đốc mới nói bác cho mượn vài kiểu, để đoàn nước ngoài đầu tiên vô có ấn tượng giày Việt Nam đã đạt đến trình độ đó. Trong buổi trình mẫu, 3 mẫu của bác được giữ lại hết. Nói về tiền bạc, nói mình không cần là không đúng. Nhưng cần ở mức độ nào. Làm cho khách hàng ngày làm với cả lương tâm, khách lấy hàng vui, dù mình bán lấy tiền, nhưng họ vui thì mình rất vui.

MC: Người ta có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng không đủ nghị lực, tâm huyết để theo nghề đã chọn. Nghề giày của bác cũng vậy, có những người đã không theo nghề nữa. Bác thì lại gắn bó được 70 năm. Vậy lý do của bác là gì?

Bác Trịnh Ngọc: Mình nói không trách tuổi trẻ,  cuộc sống bây giờ là phải có tiền nuôi bản thân gia đình. Bất kỳ nghề gì thủ công, muốn đạt đến trình độ xã hội chấp nhận thì phải có quả tim – sự yêu nghề. Phải động não – khối óc. Cần đôi mắt, người khác không thấy mình thấy, nhìn vô thấy ngay. Tiếp theo là đôi bàn tay vàng, nghĩ ra điều gì, mắt quan sát đúng không, còn thực hiện là đôi tay. Cuối cùng là nghị lực, người khác làm không được mà mình làm được.

MC: Đây là không gian trong suốt 7 thập kỷ qua, nghệ nhân Trịnh Ngọc đã sáng tạo, đo ni đóng giày cho rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Đi được quãng đường dài như vậy, yếu tố tiên quyết như bác chia sẻ chính là trái tim. Khi chúng ta có đam mê, nhiệt huyết sẽ gắn bó với công việc đến cùng. Cảm ơn quý vị đã theo dõi câu chuyện chúng tôi mang đến ngày hôm nay./.
 

Hải Triều