• 1453 lượt xem
  • 21:44 08/09/2022
  • Văn hóa

Khai mạc hội thảo khoa học quốc tế nhìn lại 20 năm khai quật Hoàng thành Thăng Long

Sau nhiều ngày chuẩn bị, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long” đã chính thức khai mạc vào sáng nay. Đây là sự kiện được giới nghiên cứu khoa học đặc biệt quan tâm và cũng là hoạt động quan trọng hưởng ứng sự kiện 50 Công ước Di sản thế giới năm 1972.

Năm 2002-2003, thực hiện kế hoạch khai quật khu vực xây dựng công trình Nhà Quốc hội tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, những dấu tích của quá khứ được phát lộ ra đã tạo ra sự chấn động không chỉ ở Việt Nam và còn trong cả khu vực Đông Nam Á. 20 năm kể từ dấu mốc phát lộ những dấu tích đầu tiên, Hoàng thành Thăng Long đã sớm được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào năm 2010 và cũng dần trở thành điểm đến lịch sử, văn hoá nổi bật của Thủ đô Hà Nội, được người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, làm sao phát huy tối đa những giá trị di sản của Hoàng thành Thăng Long này? Định hướng nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long giai đoạn tiếp theo như thế nào? ….  sẽ là những bài toán khó đặt ra cho chính quyền TP Hà Nội cũng như đơn vị quản lý là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội.

Với sự tham gia của hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước theo cả hình thức trực tiếp lẫn gián tiếp, Hội thảo khoa học diễn ra trong 2 ngày 8-9/9 sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu nhìn lại chặng đường 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hoàng thành Thăng Long; đồng thời cũng là dịp để đưa ra những định hướng, những giải pháp cho chặng đường tiếp theo thông qua 31 bài tham luận được chuẩn bị kĩ lưỡng và những cuộc trao đổi thẳng thắn trong 2 ngày hội thảo. Quan trọng hơn, cuộc hội thảo mang tầm quốc tế này cũng sẽ là nền tảng cho việc tổ chức các cuộc hội thảo quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, tạo cơ sở vững chắc cho chính quyền Hà Nội cũng như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội sớm thực hiện được những kế hoạch mang tầm vĩ mô như: phục dựng không gian chính điện Kính Thiên, bảo tồn nhà Cục Tác Chiến dưới dạng di sản số hay xây dựng Công viên Di sản văn hoá lịch sử…trong một tương lai không xa.

Phạm Kiên