Khai mạc phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 14/4, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 10 để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15. Phiên họp dự kiến diễn ra trong vòng 7-5 ngày từ 14/4 đến 26/4.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, về công tác lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà, cho ý kiến về 5 dự án luật cho ý kiến lần đầu trình tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, là: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời UBTVQH cũng cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Để triển khai kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trên cơ sở hồ sơ, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến một cách toàn diện đảm bảo tính khả thi cao nhất, sát thực tiễn, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Các nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ này Quốc hội rất quan tâm công tác này (xây dựng luật, pháp lệnh - PV), không chỉ là đánh trống nêu tên, đưa tên luật, nghị quyết vào mà phải xem xét rất kỹ, như luật Khám Chữa bệnh, phải 2 lần trình Ủy ban Thường vụ mới đủ điều kiện đưa vào…Với tinh thần đó, đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cữu kỹ lưỡng, cái nào chưa chín, chưa đủ điều kiện thì để lại, cơ quan nào, uỷ ban nào đề xuất mà sau này không thực hiện được các đồng chí phải chịu trách nhiệm”.

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với vị trí rất quan trọng của tỉnh Khánh Hoà cả về mặt kinh tế, xã hội, vai trò vùng, đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh, lần này các cơ quan của Quốc hội phối hợp rất chặt chẽ với Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh uỷ Khánh Hoà, các cơ quan đã cho ý kiến, đến nay hồ sơ tương đối hoàn chỉnh. 

Đối với báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khoá 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp triển khai thực hiện. Sau khi có hiệu lực, nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng, tích cực trong xử lý nợ xấu, gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý các ngân hàng yếu kém.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Kết quả xử lý nợ xấu giờ tới đâu? Tổng số vụ nợ xấu được xử lý theo phạm vi Nghị quyết 42 là bao nhiêu? Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm đánh giá nợ xấu phát sinh kể từ Nghị quyết 42. Chúng ta muốn giải quyết những nợ xấu đã khoanh vào, đồng thời hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là nợ xấu liên quan xã hội, tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như nợ xấu liên quan tới bất động sản, tới trái phiếu doanh nghiệp….

Về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án có tính chất quan trọng vì liên quan tới quyền công dân. Nghị định nếu được ban hành sẽ có giá trị ngang như một pháp lệnh, luật, do đó việc chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cần hết sức trách nhiệm trong xem xét vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tại kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023; Cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Thùy Trang